BRIEF 10.7: Tàu USS Ronald Reagan, Philippines - Trung Quốc
Chuyến thăm của tàu Ronald Reagan, nếu xảy ra, là sự kiện đáng chú ý bởi đây là lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ ghé thăm Indonesia ít nhất từ năm 2005.
1. Tàu sân bay USS Ronald Reagan
Một nguồn tin độc quyền của tôi tiết lộ tàu sân bay USS Ronald Reagan có thể sẽ ghé thăm Indonesia trong tháng 7 này, sau chuyến thăm Đà Nẵng vào cuối tháng 6.
Trong khi đó, hình ảnh vệ tinh ngày 9.7 cho thấy tàu Ronald Reagan di chuyển theo hướng nam vùng đặc quyền kinh tế Indonesia ở phía đông nam đảo Natuna.
Đến sáng 10.7, tàu tuần dương USS Antietam cùng tàu tiếp liệu USNS Rappahannock băng qua eo biển Sunda hướng ra Ấn Độ Dương. Tuy không bật tín hiệu AIS nhưng nhiều khả năng tàu Ronald Reagan cũng cùng di chuyển với nhóm tàu này.
Tàu USS Antietam băng qua eo Sunda ngày 10.7
Chuyến thăm của tàu Ronald Reagan, nếu xảy ra, là sự kiện đáng chú ý bởi đây là lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ ghé thăm Indonesia ít nhất từ năm 2005.
Vào cuối năm 2004, đầu năm 2005, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln đã đến Aceh tham gia cứu trợ trận động đất – sóng thần lịch sử ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, khi ấy tàu USS Abraham Lincoln chỉ tham gia chiến dịch cứu trợ từ ngoài biển. Ngoài sự kiện này không có tư liệu nào cho thấy tàu sân bay Mỹ từng ghé thăm Indonesia trước đó hay chưa.
Vào cuối tháng 6, hai oanh tạc cơ Mỹ B-52 cũng lần đầu tiên đáp xuống Indonesia để tham gia huấn luyện song phương với không quân nước này.
Indonesia từng bước tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ không lâu sau khi Trung Quốc lần đầu tiên triển khai tàu khảo sát dầu khí vào vùng biển Indonesia vào nửa cuối năm 2021 dể gây sức ép buộc Jakarta dừng hoạt động khai thác dầu khí ở vùng biển Natuna.
Trong năm 2022, Indonesia và Mỹ cũng mở rộng quy mô cuộc tập trận song phương Garuda Shield giữa hai nước.
2. Philippines
Phát ngôn viên Tuần duyên Philippines Jay Tarriela ngày 9.7 nói rằng lực lượng này sẽ tăng cường triển khai lực lượng để xua đuổi các tàu dân binh Trung Quốc neo đậu ở Đá Khúc Giác (Iroquois Reef).
Trước đó vài ngày tuần duyên Philippines cho biết họ phát hiện đến 48 tàu dân binh Trung Quốc neo đậu ở Đá Khúc Giác, nằm ở phía nam của Bãi Cỏ Rong (Reed Bank). Ngoài ra, 3 tàu hải cảnh và 2 tàu hải quân Trung Quốc cũng thường xuyên lượn lờ ở Bãi Sa Bin (Sabina Shoal).
Ông Tarriela cũng cho rằng việc Trung Quốc tập trung số lượng lớn tàu dân binh có thể nhằm mục tiêu kiểm soát các thực thể này.
Theo quan sát của tôi trong thời gian qua, ngoài các khu vực Đá Khúc Giác, Bãi Sa Bin, Bãi Cỏ Mây và Đá Ba Đầu, tàu dân binh Trung Quốc cũng thường xuyên lượn lờ ở Đá Đền Cây Cỏ (Flora Temple Reef) ở gần Đá Lớn.
3. Trung Quốc
Sau nhiều tuần lễ hoạt động trong vùng biển Malaysia, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc đã quay trở lại vùng chồng lấn thềm lục địa giữa Việt Nam và Malaysia. Hiện nó di chuyển theo hướng đông bắc với tốc độ 10 hải lý/giờ. Nhiều khả năng nó hướng đến một trong các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa.
Ngày 7.7, Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông cho biết Trung Quốc sẽ kéo giàn điện sóng di động Nam Kun (Nam Côn) xuống Biển Đông. Thông báo cho biết giàn này sẽ được kéo xuống vị trí nằm ở phía đông quần đảo Hoàng Sa và phía bắc Bãi Macclesfield.
Nhà nghiên cứu Thomas Shugart hôm nay đăng những hình ảnh vệ tinh mới nhất chụp căn cứ hải quân Ream ở Campuchia. Hình ảnh cho thấy căn cứ này đã dần đi vào hoàn thiện, với một cầu cảng đã thành hình.
Căn cứ Ream - Ảnh: Thomas Shugart/Planet
Duân