Brief 13.9: Chuyển động quân sự, Biển Đông
Tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Philippines vào tuần trước, chủ tịch ủy ban này là thượng nghị sĩ Imee Marcos đã đề xuất tiến hành đàm phán về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa các quốc gia có tranh chấp thay vì giữa toàn bộ 10 quốc gia ASEAN và Trung Quốc.
1. Chuyển động quân sự
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ rời quân cảng Yokosuka ngày 12.9, tiếp tục chuyến tuần tra Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sau một quá trình bảo dưỡng ngắn.
Thành phần của nhóm tác chiến này còn bao gồm tuần dương hạm USS Chancellorsville và hai khu trục hạm USS Benfold và USS Barry.
Tàu Ronald Reagan rời quân cảng Yokosuka ngày 12.9 - Ảnh: US Navy
Tàu đổ bộ tấn công USS Tripoli rời Biển Đông, di chuyển sang Biển Philippines vào ngày 10.9.
Ngày 13.9, khu trục hạm USS Higgins ghé thăm cảng Manila của Philippines. Trước đó, tàu này tham gia cuộc tập trận Noble Raven 22 với các tàu chiến của Nhật Bản và Canada ở Guam và Biển Đông. Nhóm tàu chiến này di chuyển vào Biển Đông qua eo biển Balabac vào ngày 5.9.
Ngày 12.9, Bộ tư lệnh phòng vệ Kim Môn của Đài Loan thông báo họ đã bắn cảnh cáo một máy bay không người lái của Trung Quốc xuất hiện gần đảo Thảo Tự thuộc quần đảo Kim Môn.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) tường thuật về cuộc đối đầu giữa tàu khu trục Type 052D Côn Minh với một tàu chiến nước ngoài vào năm 2021 ở Biển Đông khi tàu nước ngoài bị cho là tiếp cận khu vực Trung Quốc chuẩn bị tập trận.
Tuy bản tin không nói rõ danh tính tàu nước ngoài, song dựa vào số hiệu 78, nhiều khả năng đây là tàu hộ vệ HMS Kent của Anh, một thành viên của nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đang hoạt động ở khu vực vào thời gian đó.
2. Biển Đông
Ngày 13.9, tờ Kompas dẫn lời ngư dân Indonesia cho biết họ bị quấy phá bởi tàu Hải cảnh 5403 của Trung Quốc khi hoạt động tại vùng biển Natuna trong những ngày vừa qua. Ngoài tàu hải cảnh, các ngư dân Indonesia còn thấy nhiều tàu cá lớn nghi là tàu Trung Quốc hoặc Đài Loan xuất hiện ở khu vực này.
Trong khi đó, tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Philippines vào tuần trước, chủ tịch ủy ban này là thượng nghị sĩ Imee Marcos đã đề xuất tiến hành đàm phán về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa các quốc gia có tranh chấp thay vì giữa toàn bộ 10 quốc gia ASEAN và Trung Quốc.
Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo tỏ ra ủng hộ gợi ý này và cho biết ông sẽ thăm dò ý kiến của các quốc gia liên quan khi có cơ hội.
Cũng tại phiên điều trần này, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết họ đã gửi 48 công hàm phản đối Trung Quốc liên quan đến hoạt động của tàu Trung Quốc ở Biển Đông kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nhậm chức vào tháng 6.
Tổng cộng có 388 công hàm phản đối được gửi đến Trung Quốc dưới thời người tiền nhiệm Duterte.
Các công hàm này đề cập đến các vụ việc liên quan đến đánh bắt trái phép, hiện diện trái phép, quấy phá hoạt động của ngư dân và cơ quan công vụ Philippines cũng như nghiên cứu khoa học trái phép.
Đáng chú ý, Bộ Ngoại giao Philippines cũng cho biết họ từng gửi hai công hàm phản đối Việt Nam, nhưng không tiết lộ nội dung hoặc vụ việc cụ thể.
Duân