BRIEF 15.5: Cập nhật tình hình tàu Hướng Dương Hồng 10
Có nhiều dấu chỉ gợi ý hoạt động mà tàu Hướng Dương Hồng 10 đang tiến hành là xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
1. Hướng Dương Hồng 10
Tàu Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc và các tàu hộ tống trong những ngày qua vẫn hoạt động ở trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Có thời điểm trong ngày 14.5 nhóm tàu này đi vào sâu đến vị trí chỉ cách Cam Ranh khoảng hơn 80 hải lý về phía đông đông nam.
Tuy vẫn cần thêm thời gian để đánh giá mô hình di chuyển của tàu Hướng Dương Hồng 10, song có vẻ như khu vực hoạt động của tàu này nằm ở các lô dầu khí mà Trung Quốc ngang ngược thông báo mời thầu vào năm 2012 là các lô DW04, DW22, YQX18, RJ03 và RJ27.
Có nhiều dấu chỉ gợi ý hoạt động mà tàu Hướng Dương Hồng 10 đang tiến hành là xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Đầu tiên, Trung Quốc triển khai đội tàu hộ tống khá hùng hậu. Tuy không lớn bằng đội tàu hộ tống tàu Hải Dương Địa Chất 8 vào năm 2019, nhưng có ít nhất 2 tàu hải cảnh 5305 và 4303 cùng với một số tàu dân binh.
Thứ hai, dù chưa lên tiếng chính thức song Việt Nam đã triển khai một số tàu công vụ như các tàu kiểm ngư và cảnh sát biển giám sát chặt chẽ hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc.
Cuối cùng, một số tường thuật dựa trên ghi nhận về tín hiệu hàng hải cho thấy có xảy ra những đợt áp sát giữa tàu bè hai phía.
Như đã đưa trong bản tin ngày 12.5, Trung Quốc dường như triển khai tàu Hướng Dương Hồng 10 nhằm phản ứng trước việc Việt Nam đưa giàn khoan PV Drilling VI ra giếng DHN-4X thuộc mỏ Đại Hùng.
Về phản ứng của phía Việt Nam, việc Việt Nam vẫn chưa lên tiếng không phải là chuyện đáng ngạc nhiên. Bởi cần thời gian để theo dõi, đánh giá và thu thập bằng chứng về hoạt động vi phạm của tàu Trung Quốc trước khi lên tiếng chính thức.
Những phản ứng tức thời thường chỉ được đưa ra đối với các trường hợp vi phạm cực kỳ nghiêm trọng mà bằng chứng về vi phạm là hiển nhiên và không thể chối cãi như các vụ giàn khoan Hải Dương 981 hoặc các vụ phá cáp tàu Bình Minh 02, Viking 2 trước kia.
Tuy nhiên, dựa vào mô hình di chuyển ban đầu của tàu Hướng Dương Hồng 10, cuộc đối đầu trên biển lần này có lẽ sẽ còn kéo dài, nếu hai phía không thể giải quyết thông qua con đường ngoại giao không công khai.
Theo tôi, với kinh nghiệm từ vụ Hải Dương Địa Chất 8 năm 2019, hai phía ít nhất sẽ giữ cho đối đầu không leo thang ngoài kiểm soát.
2. Philippines lắp đặt phao hàng hải ở quần đảo Trường Sa
Phát ngôn viên lực lượng Tuần duyên Philippines, phó đề đốc Jay Tarriela hôm 14.5 thông báo nước này đã lắp đặt phao hàng hải ở 5 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa là Cá Nhám, Loại Ta, An Nhơn, Bình Nguyên và Ba Đầu.
Đây không phải là lần đầu tiên Philippines lắp đặt phao hàng hải ở Trường Sa. Vào năm 2022, nước này cũng thả phao ở các thực thể Vĩnh Viễn, Bến Lạc, Song Tử Đông và Thị Tứ.
Phao được Philippines lắp đặt ở Ba Đầu - Ảnh: Tuần duyên Philippines
Điều đáng chú ý là lần này Philippines thả phao ở một thực thể mà họ không kiểm soát là Đá Ba Đầu. Đây cũng là nơi Trung Quốc thường xuyên tập trung nhiều tàu dân binh với mục đích kiểm soát thực thể này.
Vì thế, không loại trừ khả năng phao ở đây sẽ bị các tàu Trung Quốc gỡ bỏ nhanh chóng. Điều này cũng đặt ra khả năng liệu Philippines sẽ phản ứng thế nào nếu tàu Trung Quốc tiến hành phá hủy hoặc vớt phao ở vị trí này.
Trong chuyến bay tuần tra ngày 13.5, Tuần duyên Philippines cho biết họ quan sát thấy hàng chục tàu dân binh Trung Quốc vẫn neo đậu ở Ba Đầu.
Duân