BRIEF 18.4: Hoạt động quân sự, Philippines - Trung Quốc
Sau khi kết thúc cuộc tập trận xung quanh Đài Loan, tàu sân bay Sơn Đông không trở lại Biển Đông mà tiếp tục tham gia cuộc huấn luyện ở vùng biển xa tại Tây Thái Bình Dương. Theo cập nhật mới nhất của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tàu Sơn Đông xuất hiện ở vị trí cách đảo Guam của Mỹ khoảng 300 đến 350 hải lý về phía tây tây bắc vào ngày 16.4.
1. Hoạt động quân sự
Mỹ
Hải quân Mỹ thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz đã di chuyển vào Biển Đông kể từ ngày 16.4. Trong ngày 17.4, máy bay C-2A trực thuộc tàu này đã bay đến Singapore, gợi ý rằng nhóm tàu Mỹ sẽ hoạt động ở khu vực phía tây nam Biển Đông trong thời gian tới.
Cùng với lực lượng Mỹ đang tham dự tập trận Balikatan với Philippines, chẳng hạn như nhóm tàu đổ bộ tấn công USS Makin Islands, Mỹ hiện duy trì một lực lượng hải quân hùng hậu ở Biển Đông trong những ngày này.
Trong ngày 16.4, tàu khu trục USS Milius của Mỹ cũng tiến hành băng qua eo biển Đài Loan. Đây là chuyến băng qua eo biển đầu tiên của Mỹ kể từ khi Trung Quốc kết thúc cuộc tập trận rầm rộ xung quanh Đài Loan.
Trung Quốc
Sau khi kết thúc cuộc tập trận xung quanh Đài Loan, tàu sân bay Sơn Đông không trở lại Biển Đông mà tiếp tục tham gia cuộc huấn luyện ở vùng biển xa tại Tây Thái Bình Dương. Theo cập nhật mới nhất của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tàu Sơn Đông xuất hiện ở vị trí cách đảo Guam của Mỹ khoảng 300 đến 350 hải lý về phía tây tây bắc vào ngày 16.4.
Vị trí hoạt động của tàu Sơn Đông gần giống với tàu Liêu Ninh trong chuyến huấn luyện vào tháng 12 năm ngoái, khi tàu này cũng tiến gần đến Guam.
Ngày 17.4, Reuters, Bloomberg dẫn thông báo của Cục Hải sự Thanh Đảo cho biết Trung Quốc sẽ tiến hành “hoạt động quân sự trọng đại” ở Hoàng Hải. Tuy nhiên, khu vực cảnh báo thực chất chỉ là nằm trong một phạm vi nhỏ ở căn cứ Thanh Đảo, đại bản doanh của Hạm đội Bắc Hải.
Nhiều khả năng, sự kiện này chỉ là một hoạt động lễ lạt, nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày Hải quân (23.4) của Trung Quốc.
2. Trung Quốc – Philippines
Đúng như dự đoán, Trung Quốc bắt đầu phát những tín hiệu cảnh báo đến Philippines sau khi quốc gia Đông Nam Á này có dấu hiệu chọn đứng về đồng minh Mỹ trong thời gian gần đây.
Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên mới đây gây bức xúc dư luận ở Philippines khi ngầm đe dọa về số phận của 150.000 người Philippines hiện sinh sống tại Đài Loan, nếu Manila ủng hộ Đài Loan độc lập.
Trước lời lẽ của ông Hoàng, phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia Philippines Jonathan Malaya đưa ra tuyên bố:
Mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi ở Đài Loan là sự an toàn và hạnh phúc của hơn 150.000 người Philippines đang sinh sống và làm việc trên hòn đảo này,... và chúng tôi kịch liệt phản đối bất kỳ nỗ lực nào của các vị khách ở đất nước chúng tôi nhằm lợi dụng điều này để gieo rắc sợ hãi và đe dọa chúng tôi.
Trong khi đó, thượng nghị sĩ đối lập Risa Hontiveros đã kêu gọi trục xuất ông Hoàng vì những phát biểu khiêu khích nói trên.
Tuy Đại sứ quán Trung Quốc ở Philippines sau đó đã giải thích phát biểu của ông Hoàng bị đưa ra khỏi ngữ cảnh, nhưng nhiều khả năng các cuộc đấu khẩu và xích mích giữa hai quốc gia này sẽ tiếp tục dâng cao trong thời gian tới, khi truyền thông Trung Quốc cũng đã bắt đầu đăng tải các bài bình luận chĩa mũi dùi vào liên minh Mỹ - Philippines.
3. Các tin tức khác
Ngày 18.4, ngoại trưởng các nước G7 đã đưa ra tuyên bố chung phản đối các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực sau cuộc họp tại Nhật Bản.
Chúng tôi cực lực phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép. Không có cơ sở pháp lý cho các yêu sách bành trướng trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông, và chúng tôi phản đối các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực. Chúng tôi nhấn mạnh tính chất phổ quát và thống nhất của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và tái khẳng định vai trò quan trọng của UNCLOS trong việc đề ra khung pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương. Chúng tôi nhắc lại rằng phán quyết do Hội đồng Trọng tài đưa ra vào ngày 12 tháng 7 năm 2016, là một cột mốc quan trọng, có giá trị pháp lý ràng buộc các bên tham gia và là cơ sở hữu ích để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình giữa các bên.
Hãng Bloomberg đưa tin Đài Loan sẽ mua 400 tên lửa chống hạm Harpoon phiên bản phóng từ mặt đất nhằm tăng cường phòng thủ trước Trung Quốc.
Cựu Ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario, người đóng vai trò quan trọng trong vụ Philippines kiện các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông ở Tòa Trọng tài, đã qua đời ở tuổi 83 vào ngày 18.4.
Duân,