BRIEF 20.6: Tàu Hải Dương 8 lại xuống Biển Đông
Hải Dương Địa Chất 8
Tính đến 9 giờ sáng 20.6, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc đã thả neo tại vị trí nằm trong vùng chồng lấn thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia ở phía nam quần đảo Trường Sa. Tàu này di chuyển xuống khu vực sau khi rời Quảng Châu vào ngày 16.6.
Hiện chưa rõ mục tiêu kế tiếp của nó là gì. Tín hiệu AIS không ghi nhận chiếc tàu hộ tống nào của Hải Dương Địa Chất 8 nhưng không loại trừ khả năng các tàu này đã tắt tín hiệu trên đường di chuyển.
Từ vị trí ở khu vực khai thác chung của Việt Nam và Malaysia (JDA), tàu Hải Dương Địa Chất 8 có thể rẽ sang hướng tây đi vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam như từng diễn ra vào năm 2019 hoặc tiếp tục di chuyển xuống phía nam đi vào vùng đặc quyền kinh tế Malaysia như từng diễn ra vào năm 2020.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan
Vào ngày 19.6, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đã di chuyển xuống phía tây nam Biển Đông sau khi đi vào vùng biển này qua eo Luzon vào ngày 14.6.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc triển khai khá nhiều tàu chiến bám đuổi nhóm tàu sân bay Mỹ, với số lượng lên đến 3 đến 4 chiếc. Vào ngày 17.6, hình ảnh vệ tinh cho thấy một nhóm lên đến 9 tàu chiến, gồm cả tàu Mỹ và Trung Quốc, cơ động khá gần nhau ở khu vực tây nam bãi cạn Scarborough.
Trong khi đó, nhóm tàu Nhật Bản do tàu JS Izumo dẫn đầu cũng di chuyển sang phía tây Biển Đông trong ngày 18.6, sau cuộc tập trận với tàu USS Ronald Reagan ở eo Luzon ngày 14.6.
Trung Quốc
Liên quan đến hoạt động triển khai của Trung Quốc ở Biển Đông, hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao do một nhà quan sát công bố cho thấy Trung Quốc triển khai khá nhiều máy bay tuần tra, trinh sát xuống Đá Vành Khăn.
Cụ thể, vào ngày 13.6, hình ảnh vệ tinh cho thấy có 2 máy bay tuần tra săn ngầm KQ-200, một máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và một máy bay vận tải hạng nặng Y-20 xuất hiện ở Đá Vành Khăn. Ngoài ra còn có một số tàu hậu cần cũng thả neo ở thực thể này.
Duân