Brief 22.8: Chuyển động quân sự, Đài Loan
Nhật Bản hiện có kế hoạch triển khai tên lửa hành trình có tầm bắn 1.000 km tại chuỗi đảo tây nam, với khả năng tấn công vào các căn cứ ở Trung Quốc, theo tờ Yomiuri. Kế hoạch này được tiết lộ không lâu sau khi Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo vào vùng đặc quyền kinh tế.
1. Chuyển động quân sự
Trung Quốc
Trung Quốc vẫn tiếp tục triển khai số lượng lớn tàu chiến và máy bay quân sự ở eo biển Đài Loan kể từ đầu tháng 8.
Ảnh: Bộ Quốc phòng Đài Loan
Tính từ ngày 3.8, liên tục gần 20 ngày Trung Quốc triển khai chiến đấu cơ qua phía đông đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan, xóa nhòa ranh giới này và tạo nên một sự bình thường mới.
Trong khi đó, các tàu sân bay Sơn Đông và Liêu Ninh của Trung Quốc đều đã lần lượt quay về cảng nhà ở Tam Á và Thanh Đảo.
Mỹ
Ngày 18.8, tàu sân bay USS Ronald Reagan quay trở về quân cảng Yokosuka ở Nhật Bản sau chuyến tuần tra dài 3 tháng ở Tây Thái Bình Dương. Tàu này dự kiến sẽ tiến hành đợt bảo dưỡng trong vài tháng tới.
Với việc tàu USS Abraham Lincoln trở về Mỹ trước đó, đây là lần hiếm hoi trong vài năm gần đây, Mỹ không duy trì sự hiện diện của một nhóm tác chiến tàu sân bay ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Mỹ hiện có tàu đổ bộ tấn công USS Tripoli hoạt động ở khu vực đông nam Okinawa.
Nhật Bản
Tờ Yomiuri ở Nhật Bản ngày 20.8 tiết lộ chính phủ nước này đang đặt mục tiêu sở hữu hơn 1.000 tên lửa hành trình tầm xa bằng cách nâng tầm của các tên lửa đất đối hạm Type 12 từ hơn 100 km lên khoảng 1.000 km.
Số tên lửa này chủ yếu sẽ được triển khai ở chuỗi đảo tây nam và sẽ được phát triển khả năng tấn công mục tiêu trên bộ. Tầm bắn này sẽ cho phép chúng nhắm tới các mục tiêu ở Trung Quốc và Triều Tiên.
Kế hoạch của chính phủ Nhật Bản được hé lộ không lâu sau khi Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo vào vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản trong cuộc tập trận xung quanh Đài Loan vào đầu tháng 8.
Nhật Bản đặt mục tiêu triển khai phiên bản cải tiến phóng từ mặt đất sớm nhất vào năm tài chính 2024, sớm hơn dự kiến ban đầu khoảng hai năm. Chính phủ cũng sẽ thúc đẩy việc sử dụng chúng cho các cuộc tấn công đất đối đất.
Chiến lược An ninh quốc gia và các kế hoạch quốc phòng khác sẽ được sửa đổi vào cuối năm nay và chính phủ dự kiến sẽ thêm vào đó việc sở hữu “năng lực phản công” để tấn công các căn cứ tên lửa của đối phương nhằm mục đích tự vệ.
2. Đài Loan
Bất chấp sức ép từ Trung Quốc, các phái đoàn của nước ngoài vẫn liên tục đến thăm Đài Loan trong những ngày qua.
Ngày 21.8, Thống đốc bang Idiana ở Mỹ Eric Holcomb đến Đài Loan trong khi một phái đoàn nghị sĩ Nhật Bản do nghị sĩ Keiji Furuya dẫn đầu cũng đến vào sáng 22.8.
Theo tờ The Financial Times, một đoàn nghị sĩ Mỹ cũng sẽ đến Đài Loan vào cuối tháng này. Ngoài ra, một nhóm nghị sĩ Canada và hai phái đoàn của quốc hội Đức cũng có kế hoạch thăm Đài Loan vào tháng 10.
Tuy không thu hút nhiều sự chú ý và căng thẳng như chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, việc các đoàn khách nước ngoài liên tục đến thăm Đài Loan cho thấy những nỗ lực của Trung Quốc nhằm răn đe và cô lập Đài Loan bằng cách ngăn cản các chuyến thăm không đạt được kết quả như mong muốn.
Trong khi đó, tờ The Washington Post cuối tuần qua tiết lộ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề nghị Tổng thống Joe Biden ngăn cản chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi trong cuộc điện đàm giữa hai người vào cuối tháng 7.
Theo tờ báo, ông Biden đã giải thích rằng ông không thể can thiệp vào hoạt động của nhánh hành pháp. Tuy nhiên, tờ này cũng tiết lộ bà Pelosi đã ngỏ ý rằng bà sẽ hủy chuyến thăm nếu Tổng thống Biden đích thân đề nghị.
Ông Biden đã không làm như thế, rõ ràng vì không muốn bị xem là nhượng bộ trước sức ép từ Trung Quốc.
Duân