BRIEF 8.8: Đối đầu Trung Quốc - Philippines sẽ diễn biến thế nào?
Tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines tiếp tục leo thang khi hai phía liên tiếp đưa ra các cáo buộc nhắm vào nhau liên quan cuộc đối đầu ở gần Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa ngày 5.8.
Cuộc đấu khẩu gay gắt
Sáng 7.8, Bộ Ngoại giao Philippines thông báo triệu tập Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên để gửi công hàm phản đối hành động của các tàu hải cảnh.
Chiều cùng ngày, Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh quốc gia, Các lực lượng vũ trang Philippines và Tuần duyên Philippines tổ chức cuộc họp báo chung để thông tin chi tiết về sự việc ngày 5.8, khi các tàu hải cảnh Trung Quốc xịt vòi rồng và di chuyển nguy hiểm nhằm ngăn cản tàu tuần duyên và tàu tiếp tế Philippines tiếp cận Bãi Cỏ Mây.
Tại cuộc họp báo, đại diện Tuần duyên Philippines Jay Tarriela cho biết phía Trung Quốc đã triển khai đến 6 tàu hải cảnh, 2 tàu dân quân biển và 3 tàu hải quân ở vòng ngoài trong chiến dịch ngăn chặn hoạt động tiếp tế của Philippines.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Jonathan Malaya cũng tuyên bố Philippines sẽ không bao giờ từ bỏ Bãi Cỏ Mây.
Sau cuộc họp báo, Tổ đặc trách quốc gia về Biển Tây Philippines (cách Philippines gọi một phần Biển Đông) đã đưa ra một tuyên bố chung lên án một cách mạnh mẽ nhất vụ quấy rối của Hải cảnh, Dân quân biển và Hải quân Trung Quốc.
“Philippines yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức các hoạt động cưỡng ép, phi pháp và không thể biện bạch trong vùng biển của chúng tôi”.
Đến sáng 8.8, Bộ Ngoại giao Philippines tiếp tục đưa ra một tuyên bố tương tự.
Về phía Trung Quốc, Hải cảnh cũng đưa ra tuyên bố thứ hai về vụ việc trong ngày 7.8. Tuyên bố này nhắc lại phiên bản câu chuyện được đưa ra trong tuyên bố ngày 6.8 rằng Philippines đã nỗ lực vận chuyển vật liệu xây dựng đến Bãi Cỏ Mây, đồng thời hối thúc phía Philippines tháo dỡ tàu BRP Sierra Madre và khôi phục nguyên trạng Bãi Cỏ Mây.
Tuyên bố cũng cho biết sau khi nắm được thông tin Philippines sẽ tiếp hành một đợt bổ sung mới, Trung Quốc đã liên hệ với phía Philippines ở nhiều cấp và nhiều kênh khác nhau để yêu cầu Philippines không triển khai tàu đến Bãi Cỏ Mây.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố phản ứng phát biểu của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ về vụ việc.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao, bất chấp sự thật, đã tấn công các hành động chính đáng và hợp pháp của Trung Quốc trên biển nhằm bảo vệ các quyền của mình và thực thi luật pháp. Tuyên bố cũng lên tiếng ủng hộ hành vi khiêu khích, phi pháp của Philippines. Trung Quốc kiên quyết phản đối tuyên bố này. Trong một thời gian, Hoa Kỳ đã kích động và hỗ trợ các nỗ lực của Philippines nhằm đại tu và củng cố tàu quân sự mà họ đã cố tình neo đậu tại Bãi Cỏ Mây. Thậm chí, Mỹ đã cử máy bay và tàu quân sự đến hỗ trợ Philippines, đồng thời nhiều lần tìm cách đe dọa Trung Quốc bằng cách viện dẫn Hiệp ước phòng thủ chung của Mỹ với Philippines. Hoa Kỳ đã ủng hộ Philippines một cách trắng trợn khi nước này xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, nhưng âm mưu của họ chắc chắn sẽ thất bại.
Đến sáng 8.8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục ra tuyên bố mới phản ứng tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines, đồng thời lặp lại yêu cầu về việc Philippines phải tháo dỡ tàu BRP Sierra Madre.
Liên quan đến chuyển động quân sự, hình ảnh vệ tinh ngày 7.8 cho thấy tàu sân bay USS Ronald Reagan xuất hiện ở Biển Celebes sau khi tham gia cuộc tập trận Talisman Sabre ngoài khơi Úc.
Từ Biển Celebes, tàu này có thể di chuyển trở lại Biển Đông thông qua Biển Sulu hoặc di chuyển thẳng ra Biển Philippines. Hiện không rõ chuyển động này có liên quan đến căng thẳng leo thang giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông hay không.
Nhận xét:
Việc Trung Quốc triển khai đến 6 tàu hải cảnh, 3 tàu hải quân và các tàu dân quân biển, theo thông tin của Tuần duyên Philippines, cho thấy đây là một chiến dịch được lên kế hoạch và chuẩn bị trước của Trung Quốc. Điều này phù hợp với tuyên bố của Hải cảnh Trung Quốc rằng họ đã nắm được thông tin về kế hoạch tiếp tế của Philippines. Ngược lại, phía Philippines, thông qua các lần phản đối của Trung Quốc, nhiều khả năng cũng đã lường trước sự phản ứng hung hăng trên thực địa của tàu Trung Quốc.
Phía Philippines cũng có sự chuẩn bị bài bản về trận địa dư luận, khi liên tiếp cung cấp thông tin, hình ảnh và tổ chức họp báo để lên án hành vi của Trung Quốc, thông qua đó thu hút được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận quốc tế.
Trung Quốc đã áp dụng chiến thuật cải bắp thông qua việc triển khai 3 lớp, gồm tàu hải cảnh, tàu dân binh và tàu hải quân ở vòng ngoài trong hoạt động gây hấn này. Tuy nhiên, họ vẫn giữ cho hoạt động của họ nằm ở ngưỡng “vùng xám”, tức chưa đến mức “một cuộc tấn công vũ trang” để có thể kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Phillippines.
Việt Nam từng có kinh nghiệm với các chiến thuật cải bắp như thế, tiêu biểu qua các vụ giàn khoan Hải Dương 981, tàu Hải Dương 760 và tàu Hải Dương Địa Chất 8, nhưng đây là lần đầu tiên Philippines đối phó với một lực lượng lớn như thế của Trung Quốc. Mức độ đối đầu lần này thậm chí có thể nghiêm trọng hơn vụ đối đầu ở Bãi cạn Scaborough năm 2012.
Diễn biến kế tiếp:
Cho đến lúc này, tình hình trên thực địa đã giảm nhiệt, khi phía Philippines rút tàu tiếp tế. Hiện tại, Manila đang tận dụng con đường ngoại giao và dư luận để gây sức ép lên Trung Quốc. Song Bắc Kinh vẫn có thái độ kiên quyết thể hiện qua các phát ngôn của Hải cảnh và Bộ Ngoại giao. Tình hình diễn biến như thế nào sẽ phụ thuộc vào chọn lựa của các bên, đặc biệt là Philippines có tiếp tục triển khai sứ mệnh tiếp tế trong thời gian tới nữa hay không. Nếu Philippines kêu gọi sự hỗ trợ của tuần duyên và hải quân Mỹ nhằm nối lại hoạt động tiếp tế, tình hình có thể sẽ tiếp tục leo thang.
Về phía Trung Quốc, do chưa thể xác thực được cáo buộc của họ về việc Philippines có vận chuyển vật liệu xây dựng đến Bãi Cỏ Mây hay không, nên chưa thể xác định được đây là cuộc leo thang có chủ đích của họ hay chỉ là hành động phản ứng. Từ trước đến nay, Trung Quốc nhiều lần nói rằng họ không cản trở các sứ mệnh tiếp tế nhu yếu phẩm vì “mục đích nhân đạo”, nhưng kiên quyết phản đối việc vận chuyển vật liệu xây dựng để gia cố tiền đồn của Philippines. Trường hợp leo thang có chủ đích và chỉ sử dụng cuộc tiếp tế của Philippines như là cái cớ, Trung Quốc có thể muốn thông qua hành động lần này để đáp trả việc Philippines ngả hẳn về phía Mỹ và các đồng minh trong thời gian gần đây.
Trong những ngày vừa qua, Trung Quốc cũng đã 2 lần thúc giục Philippine tháo dỡ tàu ở Bãi Cỏ Mây. Bắc Kinh có thể tiếp tục leo thang bằng cách đưa ra tối hậu thư buộc Philippines phải tháo dỡ. Song khả năng Trung Quốc chọn lựa tiến hành bước đi này rất thấp, bởi nó đặt Trung Quốc và thế là bên châm ngòi cho cuộc đối đầu có nhiều khả năng leo thang thành cuộc xung đột kéo theo sự can dự trực tiếp của Mỹ. Hơn nữa, phía Philippines chắc chắn sẽ phớt lờ, và khi đó Bắc Kinh buộc vào thế phải hành động nếu không muốn tối hậu thư của họ trở thành trò cười. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ chờ đợi bước đi kế tiếp của Philippines trên thực địa. Sự có mặt của hải quân Mỹ trong vai trò hộ tống chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc điều chỉnh cách đối phó của mình.
Về phía Mỹ, nước này có thể triển khai tàu hỗ trợ Philippines, nhưng cần phải xét đến bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung hiện nay. Quan hệ này hiện có dấu hiệu tan băng khi hai nước nối lại những liên lạc cấp cao thông qua các chuyến thăm cấp tập của các quan chức Mỹ đến Trung Quốc trong thời gian vừa qua. Điều này có thể ảnh hưởng đến các cân nhắc của Mỹ. Nhưng đồng thời, đây cũng là một bài thử nghiệm cho các cam kết của Mỹ rằng liệu họ có thực sự sát cánh với đồng minh hay không.
Duân,