Brief 8.9: Biển Đông, Đài Loan, Philippines - Trung Quốc
1. Chuyển động quân sự
Tàu đổ bộ tấn công USS Tripoli của Mỹ đã quay trở lại Biển Đông vào ngày 4.9, sau chuyến dừng chân ở Singapore.
Chiến đấu cơ F-35B cất cánh từ tàu Tripoli ở Biển Đông ngày 6.9 - Ảnh: US Navy
Biên đội tàu chiến Nhật Bản do tàu JS Izumo dẫn đầu cũng xuất hiện ở Biển Đông trong ngày 7.9. Đến sáng 8.9, nhóm tàu này băng qua eo biển Malacca.
Số lượng máy bay và tàu chiến Trung Quốc hoạt động gần Đài Loan có xu hướng giảm xuống kể từ ngày sau các đợt cao điểm ngày 31.8 và 1.9, khi có đến 62 và 53 lượt máy bay được triển khai trong 2 ngày này.
Ngày 7.9, lục quân Đài Loan bắt đầu cuộc tập trận Liên Dũng ở huyện Phượng Cương, phía nam hòn đảo này.
Cuối tuần qua, có 8 tàu tuần duyên Nhật Bản xuất hiện ở eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, di chuyển của các tàu Nhật Bản chỉ nhằm tránh cơn bão Hinnamnor. Những chuyển động tương tự cũng từng được ghi nhận mỗi khi có bão xuất hiện ở khu vực phía đông bắc Đài Loan.
Tờ Inquirer đưa tin hai tàu hải cảnh Trung Quốc 5901 và 5303 xuất hiện gần một cuộc huấn luyện giữa tuần duyên Philippines và Mỹ ở Biển Đông vào đầu tháng 9.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy một máy bay vận tải Y-20 của Trung Quốc xuất hiện ở Đá Chữ Thập ngày 1.9. Đây không phải là lần đầu tiên Y-20 được nhìn thấy ở Đá Chữ Thập.
2. Đài Loan
Một phái đoàn gồm 8 nghị sĩ Mỹ đã đến Đài Loan hôm 7.9 trong chuyến thăm không được thông báo trước. Phái đoàn do dân biểu gốc Việt Stephanie Murphy thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện dẫn đầu này là phái đoàn thứ 8 của Mỹ đến Đài Loan kể từ khi Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận vào đầu tháng 8.
Cùng ngày, một đoàn nghị sĩ Pháp do Thượng nghị sĩ Cyril Pellavat dẫn đầu cũng đến Đài Loan. Đây là phái đoàn cấp cao đầu tiên của châu Âu đến Đài Loan kể từ khi căng thẳng gia tang sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada cho biết nước này sẽ xây dựng thêm các kho vũ khí và nhiên liệu ở chuỗi đảo tây nam. Bố trí thêm vũ khí và nhiên liệu ở khu vực này sẽ giúp Nhật Bản hỗ trợ các chiến dịch quân sự của Mỹ một khi xung đột nổ ra ở eo biển Đài Loan.
Trước đó, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cũng để ngỏ khả năng cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của họ trong trường hợp nổ ra xung đột liên quan đến Đài Loan.
Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc hội thảo do Hội đồng Atlantic tổ chức, Phó tham mưu trưởng Không quân Mỹ Clinton Hinote cảnh báo Mỹ sẽ nhắm vào hoạt động hậu cần của Trung Quốc nếu nước này phát động cuộc tấn công Đài Loan.
3. ASEAN
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết các cuộc đàm phán về khai thác dầu khí chung ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines không đạt được bất kỳ tiến triển nào sau các cuộc thảo luận ban đầu trong các chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Trưởng ban Liên lạc đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu.
Trước đó, Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo phát biểu trước Quốc hội rằng Trung Quốc muốn thỏa thuận phân chia 50-50 thay vì 60-40 nghiêng về phía Philippines.
Đàm phán còn bế tắc vì Trung Quốc muốn áp dụng các điều kiện theo luật trong nước của họ, vốn không thể chấp nhận đối với Philippines.
Duân