Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Biden
(Bản dịch Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Biden, công bố ngày 12.2.2022.)
CHIẾN LƯỢC ẤN ĐỘ DƯƠNG - THÁI BÌNH DƯƠNG CỦA HOA KỲ
TRIỂN VỌNG CỦA ẤN ĐỘ DƯƠNG - THÁI BÌNH DƯƠNG
Hoa Kỳ là một cường quốc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khu vực trải dài từ bờ biển Thái Bình Dương của chúng ta đến Ấn Độ Dương này là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới, gần 2/3 nền kinh tế thế giới và 7 quân đội lớn nhất thế giới. Có nhiều thành viên của quân đội Hoa Kỳ đóng trong khu vực này hơn bất kỳ nơi nào khác bên ngoài Hoa Kỳ. Nó hỗ trợ hơn ba triệu việc làm của người Mỹ và là nguồn của gần 900 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hoa Kỳ. Trong những năm tới, khi khu vực này thúc đẩy đến hai phần ba tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng cũng như tầm quan trọng của nó đối với Hoa Kỳ sẽ chỉ tăng lên.
Hoa Kỳ từ lâu đã công nhận Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có vai trò quan trọng đối với an ninh và sự thịnh vượng của chúng ta. Mối quan hệ của chúng ta được tạo lập từ hai thế kỷ trước, khi người Mỹ đến khu vực này để tìm kiếm cơ hội thương mại và phát triển với sự xuất hiện của dòng người nhập cư châu Á đến Hoa Kỳ. Thế chiến thứ hai nhắc nhở Hoa Kỳ rằng đất nước chúng ta chỉ có thể được an toàn nếu châu Á cũng vậy. Và chính vì thế trong thời kỳ hậu chiến, Hoa Kỳ củng cố mối quan hệ của chúng ta với khu vực, thông qua các liên minh hiệp ước bọc sắt với Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan, đặt nền tảng an ninh cho phép các nền dân chủ phát triển mạnh mẽ. Những mối quan hệ đó mở rộng khi Hoa Kỳ ủng hộ các tổ chức hàng đầu ở khu vực, đặc biệt là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); phát triển các mối quan hệ thương mại và đầu tư bền chặt; và cam kết duy trì luật pháp và chuẩn mực quốc tế, từ quyền con người đến tự do hàng hải.
Tàu chiến Mỹ - Nhật tập trận chung ở Biển Philippines - Ảnh: Hải quân Mỹ
Thời gian trôi qua đã nhấn mạnh sự cần thiết chiến lược vai trò nhất quán của Hoa Kỳ. Cuối Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ đã cân nhắc nhưng rồi bác bỏ ý tưởng rút lại sự hiện diện quân sự của chúng ta, vì hiểu được khu vực này có tầm giá trị chiến lược sẽ chỉ phát triển trong thế kỷ 21. Kể từ đó, các chính quyền của cả hai đảng chính trị đều có chung cam kết với khu vực. Chính quyền George W. Bush hiểu được tầm quan trọng ngày càng tăng của châu Á và tương tác chặt chẽ với Cộng hòa Nhân dân
Trung Hoa (CHNDTH), Nhật Bản và Ấn Độ. Chính quyền Obama đã thúc đẩy đáng kể sự ưu tiên của người Mỹ đối với châu Á, đầu tư các nguồn lực mới về ngoại giao, kinh tế và quân sự ở đó. Và chính quyền Trump cũng đã công nhận Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là trung tâm trọng lực của thế giới.
Dưới thời Tổng thống Biden, Hoa Kỳ quyết tâm củng cố vị thế lâu dài và cam kết của chúng ta ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chúng ta sẽ tập trung vào mọi ngóc ngách của khu vực, từ Đông Bắc Á và Đông Nam Á, đến Nam Á và Châu Đại Dương, bao gồm các đảo quốc Thái Bình Dương. Chúng ta làm như vậy vào thời điểm mà nhiều đồng minh và các đối tác của chúng ta, bao gồm cả ở châu Âu, đang ngày càng chuyển sự chú ý của họ sang khu vực này; và khi có đồng thuận lưỡng đảng sâu rộng trong Quốc hội Hoa Kỳ rằng Hoa Kỳ phải như vậy. Trong bối cảnh chiến lược thay đổi nhanh chóng, chúng ta thừa nhận lợi ích của Mỹ chỉ có thể được nâng cao nếu chúng ta cố định Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và củng cố chính khu vực này, cùng với các đồng minh và đối tác thân thiết nhất.
Sự chú trọng ngày càng mạnh mẽ này của Mỹ một phần là do khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối mặt với những thách thức ngày càng lớn, đặc biệt là từ CHND Trung Hoa. CHND Trung Hoa đang kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ khi họ theo đuổi một khu vực áp đặt ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tìm cách trở thành cường quốc có ảnh hưởng nhất thế giới. Sự ép buộc và hung hăng của CHND Trung Hoa trải rộng trên toàn cầu, nhưng nó gay gắt nhất ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Từ sự cưỡng bức kinh tế đối với Úc đến cuộc xung đột dọc theo Đường kiểm soát thực tế với Ấn Độ cho đến sức ép ngày càng tăng đối với Đài Loan và sự bắt nạt các nước láng giềng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, các đồng minh và đối tác của chúng ta trong khu vực chịu nhiều tổn thất vì các hành vi gây hại của CHND Trung Hoa. Trong quá trình này, CHND Trung Hoa cũng làm xói mòn quyền con người và luật pháp quốc tế, bao gồm tự do hàng hải, cũng như các nguyên tắc đã mang lại sự ổn định và thịnh vượng cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Những nỗ lực tập thể của chúng ta trong thập niên tới sẽ quyết định liệu CHND Trung Hoa có thành công trong việc chuyển đổi các quy tắc và chuẩn mực đã mang lại lợi ích cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới hay không. Về phần chúng ta, Hoa Kỳ sẽ đầu tư vào nền tảng sức mạnh của chúng ta ở trong nước, điều chỉnh cách tiếp cận của chúng ta cho phù hợp với cách tiếp cận của các đồng minh và các đối tác ở nước ngoài và cạnh tranh với CHND Trung Hoa để bảo vệ lợi ích và tầm nhìn cho tương lai mà chúng ta chia sẻ với những người khác. Chúng ta sẽ củng cố hệ thống quốc tế, duy trì hệ thống này dựa trên các giá trị chung và cập nhật nó để đáp ứng những thách thức của thế kỷ 21.
Mục tiêu của chúng ta không phải là thay đổi CHND Trung Hoa mà là định hình môi trường chiến lược trong đó nó hoạt động, xây dựng sự cân bằng ảnh hưởng trên thế giới có lợi tối đa cho Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác của chúng ta cũng như những lợi ích và giá trị mà chúng ta chia sẻ.
Chúng ta cũng sẽ tìm cách quản lý sự cạnh tranh với CHND Trung Hoa một cách có trách nhiệm. Chúng ta sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác của mình trong khi tìm cách làm việc với Trung Quốc trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu và không phổ biến vũ khí. Chúng ta tin rằng việc không có quốc gia nào ngăn cản tiến bộ trong các vấn đề xuyên quốc gia hiện hữu chỉ vì các khác biệt song phương chính là lợi ích của khu vực và thế giới rộng lớn hơn.
Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải đối mặt với những thách thức lớn khác. Biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các sông băng ở Nam Á tan chảy và các đảo quốc Thái Bình Dương chiến đấu chống lại sự dâng lên của mực nước biển đe dọa tồn vong.
Đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục gây ra thiệt hại đau đớn về người và kinh tế trên toàn khu vực. Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CHDCND Triều Tiên) tiếp tục mở rộng các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa bất hợp pháp. Các chính phủ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vật lộn với thiên tai, khan hiếm tài nguyên, xung đột nội bộ và thách thức quản trị. Nếu không được kiểm soát, các lực lượng này có nguy cơ gây mất ổn định khu vực.
Khi chúng ta bước vào một thập niên quyết định mang nhiều hứa hẹn đáng kể và những trở ngại lịch sử đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vai trò của Mỹ trong khu vực phải hiệu quả và bền vững hơn bao giờ hết. Để làm được điều này, chúng ta sẽ hiện đại hóa các liên minh lâu đời của chúng ta, củng cố các mối quan hệ đối tác mới nổi và đầu tư vào các tổ chức khu vực — năng lực tập thể này sẽ gia tăng sức mạnh cho Ấn Độ - Thái Bình Dương để thích ứng với những thách thức của thế kỷ 21 và nắm bắt những cơ hội. Khi CHND Trung Hoa, cuộc khủng hoảng khí hậu và đại dịch đang thử thách chúng ta, chúng ta phải làm việc với các đồng minh và các đối tác hướng tới tầm nhìn tích cực của chúng ta: về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, kết nối hơn, thịnh vượng hơn, an toàn hơn và kiên cường hơn. Chiến lược quốc gia này vạch ra cách tiếp cận đó và giúp Hoa Kỳ thực hiện thành công.
CHIẾN LƯỢC ẤN ĐỘ DƯƠNG - THÁI BÌNH DƯƠNG CỦA CHÚNG TA
Hoa Kỳ cam kết xây dựng một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, kết nối, thịnh vượng, an ninh và kiên cường. Để hiện thực hóa tương lai đó, Hoa Kỳ sẽ tăng cường vai trò của chính chúng ta trong khi củng cố chính khu vực. Đặc điểm cơ bản của cách tiếp cận này là nó không thể được hoàn thành một mình: hoàn cảnh chiến lược đang thay đổi và những thách thức lịch sử đòi hỏi sự hợp tác chưa từng có với những người có chung tầm nhìn này.
Trong nhiều thế kỷ, Hoa Kỳ và phần lớn thế giới đã nhìn về châu Á một cách quá hạn hẹp - như một đấu trường cạnh tranh địa chính trị. Ngày nay, các quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương đang giúp xác định chính bản chất của trật tự quốc tế, và các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trên khắp thế giới đều có can hệ đến kết quả của trật tự này. Do đó, cách tiếp cận của chúng ta dựa trên và phù hợp với cách tiếp cận của những người bạn thân thiết nhất của chúng ta. Giống như Nhật Bản, chúng ta tin rằng một tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương thành công phải thúc đẩy tự do và cởi mở, đồng thời đưa ra “quyền tự chủ và các lựa chọn”. Chúng ta ủng hộ một Ấn Độ mạnh mẽ với tư cách là một đối tác trong tầm nhìn tích cực của khu vực này. Giống như Úc, chúng ta tìm cách duy trì sự ổn định và từ chối những sự áp đặt cường quyền. Giống như Hàn Quốc, chúng ta đặt mục tiêu thúc đẩy an ninh khu vực thông qua nâng cao năng lực. Giống như ASEAN, chúng ta coi Đông Nam Á là trung tâm của cấu trúc khu vực. Giống như New Zealand và Vương quốc Anh, chúng ta tìm cách xây dựng khả năng phục hồi trong trật tự khu vực dựa trên luật lệ. Giống như Pháp, chúng ta nhận ra giá trị chiến lược từ vai trò ngày càng tăng của Liên minh châu Âu (EU) trong khu vực. Giống như cách tiếp cận mà EU đã công bố trong Chiến lược Hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chiến lược của Mỹ sẽ mang tính nguyên tắc, dài hạn và được gắn với khả năng phục hồi dân chủ.
Hoa Kỳ sẽ theo đuổi năm mục tiêu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương — mỗi mục tiêu đồng bộ với các đồng minh và đối tác của chúng tôi, cũng như với các thiết chế khu vực. Chúng ta sẽ:
THÚC ĐẨY MỘT ẤN ĐỘ DƯƠNG - THÁI BÌNH DƯƠNG TỰ DO VÀ RỘNG MỞ
XÂY DỰNG KẾT NỐI TRONG VÀ NGOÀI KHU VỰC
THÚC ĐẨY THỊNH VƯỢNG KHU VỰC
TĂNG CƯỜNG AN NINH ẤN ĐỘ DƯƠNG - THÁI BÌNH DƯƠNG
XÂY DỰNG KHẢ NĂNG PHỤC HỒI CỦA KHU VỰC ĐỐI VỚI CÁC MỐI ĐE DỌA XUYÊN QUỐC GIA
1. THÚC ĐẨY MỘT ẤN ĐỘ DƯƠNG - THÁI BÌNH DƯƠNG TỰ DO VÀ RỘNG MỞ
Các lợi ích quan trọng của chúng ta và của các đối tác thân cận nhất của chúng ta đòi hỏi một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nơi các chính phủ có thể đưa ra các lựa chọn thuộc về chủ quyền của riêng mình, phù hợp với các nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế; và nơi biển cả, bầu trời và các không gian chung khác được quản lý hợp pháp. Do đó, chiến lược của chúng ta bắt đầu bằng việc xây dựng khả năng phục hồi trong các quốc gia, như chúng ta đã làm ở Hoa Kỳ. Trong khu vực này, điều đó bao gồm nỗ lực của chúng ta nhằm hỗ trợ các xã hội mở và đảm bảo các chính phủ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể đưa ra các lựa chọn chính trị độc lập không bị ép buộc; chúng ta sẽ làm như vậy thông qua đầu tư vào các thiết chế dân chủ, báo chí tự do và một xã hội dân sự sôi động. Hoa Kỳ sẽ tăng cường tự do thông tin và ngôn luận và chống lại sự can thiệp của nước ngoài bằng cách hỗ trợ báo chí điều tra, thúc đẩy hiểu biết về phương tiện truyền thông và các phương tiện truyền thông đa nguyên và độc lập, đồng thời tăng cường hợp tác để giải quyết các mối đe dọa từ thao túng thông tin.
Phù hợp với Chiến lược của Hoa Kỳ về Chống tham nhũng đầu tiên từ trước đến nay, chúng ta cũng sẽ tìm cách cải thiện tính minh bạch tài chính ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để ngăn chặn tham nhũng và thúc đẩy cải cách. Thông qua tiếp xúc ngoại giao, viện trợ nước ngoài và làm việc với các tổ chức khu vực, Hoa Kỳ sẽ là một đối tác trong việc tăng cường các thiết chế dân chủ, sự thượng tôn pháp luật và quản trị dân chủ có trách nhiệm. Và chúng ta sẽ làm việc với các đối tác để chống lại sự ép buộc kinh tế.
Bên ngoài biên giới của các quốc gia riêng lẻ, Hoa Kỳ cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác cùng chí hướng để đảm bảo rằng khu vực này vẫn mở và dễ tiếp cận, đồng thời các vùng biển và bầu trời của khu vực được quản lý và sử dụng theo luật pháp quốc tế. Đặc biệt, chúng ta sẽ xây dựng sự hỗ trợ cho những cách tiếp cận dựa trên quy tắc đối với lĩnh vực hàng hải, bao gồm cả ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Chúng ta cũng sẽ làm việc với các đối tác để thúc đẩy các phương pháp tiếp cận chung đối với các công nghệ then chốt và mới nổi, internet và không gian mạng. Chúng ta sẽ xây dựng sự hỗ trợ cho một mạng internet mở, có thể tương tác, đáng tin cậy và an toàn; phối hợp với các đối tác để duy trì tính toàn vẹn của các cơ quan tiêu chuẩn quốc tế và thúc đẩy các tiêu chuẩn công nghệ dựa trên sự đồng thuận, phù hợp với giá trị; tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển của các nhà nghiên cứu và truy cập mở vào dữ liệu khoa học dành cho sự hợp tác tiên tiến; và làm việc để thực hiện khuôn khổ về hành vi có trách nhiệm trong không gian mạng và các chuẩn mực liên quan của nó.
2. XÂY DỰNG KẾT NỐI TRONG VÀ NGOÀI KHU VỰC
Một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở chỉ có thể đạt được nếu chúng ta xây dựng năng lực tập thể cho một thời đại mới; hành động chung hiện là một sự cần thiết chiến lược. Các liên minh, tổ chức và quy tắc mà Hoa Kỳ và các đối tác của chúng ta đã giúp xây dựng phải được điều chỉnh; khi cần thiết, chúng ta phải cùng nhau cập nhật chúng. Chúng ta sẽ theo đuổi điều này thông qua một mạng lưới các liên minh mạnh mẽ và tăng cường lẫn nhau.
Những nỗ lực đó bắt đầu từ các liên minh và đối tác thân thiết nhất của chúng ta, mà chúng ta đang đổi mới theo những cách thức sáng tạo. Chúng ta đang làm sâu sắc thêm năm liên minh hiệp ước ở khu vực — với Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan — và tăng cường mối quan hệ với các đối tác hàng đầu trong khu vực, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Singapore, Đài Loan, Việt Nam và các đảo quốc Thái Bình Dương. Chúng ta cũng sẽ khuyến khích các đồng minh và đối tác của mình tăng cường quan hệ với nhau, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chúng ta sẽ hỗ trợ và trao quyền cho các đồng minh và đối tác khi họ tự đảm nhận vai trò lãnh đạo khu vực, đồng thời chúng ta sẽ làm việc trong các nhóm linh hoạt, tập hợp sức mạnh tập thể của chúng ta để đối mặt với các vấn đề định hình thời đại của chúng ta, đặc biệt là thông qua Quad. Chúng ta sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong Quad về y tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, công nghệ then chốt và mới nổi, cơ sở hạ tầng, mạng, giáo dục và năng lượng sạch, khi chúng ta làm việc cùng nhau và với các đối tác khác hướng tới một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Hoa Kỳ cũng hoan nghênh một ASEAN mạnh mẽ và độc lập dẫn đầu ở Đông Nam Á. Chúng ta tán thành vai trò trung tâm của ASEAN và hỗ trợ ASEAN trong nỗ lực đưa ra các giải pháp bền vững cho những thách thức cấp bách nhất của khu vực. Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta sẽ tăng cường hợp tác lâu dài với ASEAN đồng thời khởi động các cam kết cấp cao mới về y tế, khí hậu và môi trường, năng lượng, giao thông vận tải, bình đẳng giới và bình đẳng. Chúng ta sẽ làm việc với ASEAN để xây dựng khả năng phục hồi của khối này với tư cách là một thiết chế hàng đầu trong khu vực và sẽ tìm kiếm các cơ hội để Quad cộng tác với ASEAN. Chúng ta cũng sẽ ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các đối tác Nam Á và ASEAN. Công việc riêng của chúng ta với các đối tác Nam Á sẽ ưu tiên xây dựng các cơ chế để giải quyết các nhu cầu hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, an ninh biển, khan hiếm nước và ứng phó với đại dịch. Chúng ta sẽ tìm cách trở thành một đối tác không thể thiếu của các quốc đảo Thái Bình Dương, phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn với các đối tác khác có chung cam kết đó và sẽ mở rộng thực chất sự hiện diện ngoại giao của chúng ta ở Đông Nam Á và các đảo quốc Thái Bình Dương. Chúng ta cũng sẽ ưu tiên đàm phán về Hiệp ước Hiệp hội Tự do với các Quốc gia Tự do Liên kết như là nền tảng cho vai trò của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương.
Các đồng minh và đối tác bên ngoài khu vực ngày càng dành sự quan tâm mới cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chúng ta sẽ tận dụng cơ hội này để điều chỉnh các phương pháp tiếp cận của mình và sẽ phối hợp thực hiện các sáng kiến của chúng ta để nhân rộng hiệu quả. Chúng ta sẽ hợp tác để xây dựng kết nối khu vực với trọng tâm là lĩnh vực kỹ thuật số, cũng như tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là trong không gian biển. Trong quá trình này, chúng ta sẽ xây dựng những sự kết nối giữa Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với
châu Âu - Đại Tây Dương, và ngày càng nhiều khu vực khác, bằng cách dẫn đầu chương trình nghị sự chung thúc đẩy hành động tập thể. Chúng ta cũng sẽ thúc đẩy tầm nhìn chung của mình thông qua sự phối hợp chặt chẽ tại Liên Hiệp Quốc.
Mối quan hệ của chúng ta không chỉ kết nối các chính phủ của chúng ta mà còn là cầu nối cho nhân dân của chúng ta. Hoa Kỳ là nhà cung cấp giáo dục quốc tế hàng đầu cho sinh viên từ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương — gần 68% sinh viên quốc tế đang học tập tại Hoa Kỳ đến từ khu vực này - tạo dựng mối quan hệ giúp thúc đẩy sự năng động của thế hệ tiếp theo ở cả hai phía. Chúng ta sẽ thúc đẩy các hoạt động trao đổi lãnh đạo trẻ, giáo dục và chuyên môn và các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh vốn đã gắn bó lâu dài với chúng ta, bao gồm cả thông qua sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI). Đồng thời, chúng ta sẽ thúc đẩy các quan hệ đối tác mới phục vụ các nghiên cứu chung tiên tiến trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ then chốt, bao gồm thông qua Học bổng Quad mới, học bổng này sẽ hỗ trợ các nghiên cứu sau đại học của sinh viên Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ trong các lĩnh vực STEM. Thông qua các chương trình này và các chương trình khác, chúng ta sẽ tiếp tục đầu tư vào thế hệ kết nối giữa nhân dân tiếp theo.
3. THÚC ĐẨY THỊNH VƯỢNG KHU VỰC
Sự thịnh vượng của những người Mỹ bình thường gắn liền với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chúng ta sẽ đưa ra một khuôn khổ đổi mới để trang bị cho các nền kinh tế của chúng ta trong thời điểm này. Những nỗ lực của chúng ta được xây dựng trên nền tảng vững chắc của sự hội nhập kinh tế chặt chẽ. Thương mại hai chiều giữa Hoa Kỳ và khu vực này đạt tổng trị giá 1.750 tỷ đô la vào năm 2020 và nó hỗ trợ hơn năm triệu việc làm ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Hoa Kỳ đạt hơn 969 tỷ USD vào năm 2020 và đã tăng gần gấp đôi trong thập niên qua. Hoa Kỳ vẫn là đối tác đầu tư số một ở các nước thành viên ASEAN — đầu tư nhiều hơn ba đối tác đầu tư kế sau của Đông Nam Á cộng lại. Và Hoa Kỳ là nước xuất khẩu dịch vụ chính cho khu vực, mà đến lượt nó, sẽ thúc đẩy tăng trưởng khu vực.
Đại dịch COVID-19 đã nêu bật sự cần thiết phải phục hồi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên diện rộng. Điều đó đòi hỏi các khoản đầu tư để khuyến khích đổi mới, tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế, tạo ra công việc được trả lương cao, xây dựng lại chuỗi cung ứng và mở rộng cơ hội kinh tế cho các gia đình trung lưu: 1,5 tỷ người ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu trong thập niên này.
Cùng với các đối tác của mình, Hoa Kỳ sẽ đưa ra một khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - một quan hệ đối tác đa phương cho thế kỷ 21. Khuôn khổ kinh tế này sẽ giúp các nền kinh tế của chúng ta khai thác sự chuyển đổi công nghệ nhanh chóng, bao gồm cả trong nền kinh tế kỹ thuật số, và thích ứng với quá trình chuyển đổi năng lượng và khí hậu sắp tới. Hoa Kỳ sẽ làm việc với các đối tác để đảm bảo rằng công dân ở cả hai bờ Thái Bình Dương gặt hái được lợi ích từ những thay đổi kinh tế lịch sử này, đồng thời làm sâu sắc thêm sự hội nhập của chúng ta. Chúng ta sẽ phát triển các phương pháp tiếp cận mới đối với thương mại đáp ứng các tiêu chuẩn cao về lao động và môi trường, đồng thời sẽ quản lý các nền kinh tế kỹ thuật số và các luồng dữ liệu xuyên biên giới theo các nguyên tắc mở, bao gồm cả thông qua một khuôn khổ kinh tế kỹ thuật số mới. Chúng ta sẽ làm việc với các đối tác của mình để thúc đẩy các chuỗi cung ứng linh hoạt và an toàn, đa dạng, cởi mở và có thể dự đoán được, đồng thời loại bỏ các rào cản, cải thiện tính minh bạch và chia sẻ thông tin. Chúng ta sẽ đầu tư chung vào lĩnh vực giảm phát thải cacbon và năng lượng sạch, đồng thời làm việc trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) để thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do, công bằng và cởi mở trong năm đăng cai 2023 và sau đó nữa.
Chúng ta cũng sẽ nhân đôi cam kết của mình trong việc giúp các đối tác Ấn Độ - Thái Bình Dương thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng của khu vực. Thông qua sáng kiến Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn của chúng ta với các đối tác G7, chúng ta sẽ trang bị cho các nền kinh tế mới nổi của khu vực cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn cao giúp họ phát triển và thịnh vượng, đồng thời tạo ra nhiều việc làm tốt ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ thúc đẩy viễn thông toàn cầu linh hoạt và an toàn, tập trung vào đa dạng hóa nhà cung cấp 5G và công nghệ Mạng truy cập vô tuyến mở (O-RAN), đồng thời tìm kiếm một thị trường cung cấp viễn thông đủ tiêu chuẩn để mời gọi những người tham gia đáng tin cậy mới. Chúng ta cũng sẽ sánh vai với các đối tác kinh tế khu vực, những người đang đóng vai trò hàng đầu trong việc thiết lập các quy tắc chi phối hoạt động kinh tế thế kỷ 21. Cùng nhau, chúng ta sẽ khai thác sự chuyển đổi kinh tế nhanh chóng như một cơ hội chung cho tất cả chúng ta.
4. TĂNG CƯỜNG AN NINH ẤN ĐỘ DƯƠNG - THÁI BÌNH DƯƠNG
Trong 75 năm qua, Hoa Kỳ đã duy trì sự hiện diện quốc phòng mạnh mẽ và nhất quán cần thiết để hỗ trợ hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Hoa Kỳ là một đồng minh kiên định trong khu vực và vẫn sẽ như thế trong thế kỷ 21. Ngày nay, chúng ta đang mở rộng và hiện đại hóa vai trò đó: Hoa Kỳ đang tăng cường khả năng để bảo vệ lợi ích của chúng ta cũng như răn đe sự xâm lược và chống lại sự cưỡng ép đối với lãnh thổ của Hoa Kỳ cũng như của các đồng minh và đối tác của chúng ta.
Răn đe tích hợp sẽ là nền tảng trong cách tiếp cận của chúng ta. Chúng ta sẽ tích hợp chặt chẽ hơn các nỗ lực của mình trên các không gian chiến trường và phạm vi xung đột để đảm bảo rằng Hoa Kỳ, cùng với các đồng minh và đối tác của chúng ta, có thể can ngăn hoặc đánh bại sự xâm lược dưới bất kỳ hình thức hoặc không gian nào. Chúng ta sẽ thúc đẩy các sáng kiến nhằm củng cố khả năng răn đe và chống lại sự ép buộc, chẳng hạn như phản đối các nỗ lực nhằm thay đổi biên giới lãnh thổ hoặc làm xói mòn quyền của các quốc gia có chủ quyền trên biển.
Chúng ta sẽ tập trung vào đổi mới để đảm bảo quân đội Hoa Kỳ có thể tác chiến trong các môi trường đe dọa đang thay đổi nhanh chóng, bao gồm không gian, không gian mạng và các lĩnh vực công nghệ then chốt và mới nổi. Chúng ta đang phát triển các khái niệm mới về tác chiến, xây dựng khả năng chỉ huy và kiểm soát linh hoạt hơn, tăng phạm vi và mức độ phức tạp của các cuộc tập trận và hoạt động chung của chúng ta, đồng thời theo đuổi đa dạng hóa các cơ hội về bố trí lực lượng sẽ giúp tăng cường khả năng tác chiến của chúng ta ở tiền phương và linh hoạt hơn với các đồng minh và đối tác.
Nhất quán với phương pháp tiếp cận chiến lược rộng lớn hơn của mình, chúng ta sẽ ưu tiên sức mạnh bất đối xứng vĩ đại nhất của mình: mạng lưới liên minh và quan hệ đối tác an ninh của chúng ta. Trên toàn khu vực, Hoa Kỳ sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác để tăng cường khả năng tương tác của chúng ta, đồng thời phát triển và triển khai các khả năng chiến đấu tiên tiến khi chúng ta hỗ trợ họ bảo vệ công dân và lợi ích chủ quyền của họ. Chúng ta sẽ tiếp tục hiện đại hóa các liên minh hiệp ước của mình với Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan; thúc đẩy đều đặn Quan hệ Đối tác Quốc phòng lớn của chúng ta với Ấn Độ và ủng hộ vai trò của nước này như một chủ thể cung cấp an ninh; và xây dựng năng lực quốc phòng của các đối tác ở Nam và Đông Nam Á và các đảo quốc ở Thái Bình Dương. Chúng ta cũng sẽ làm việc với các đối tác trong và ngoài khu vực để duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, bao gồm cả việc hỗ trợ khả năng phòng vệ của Đài Loan, để đảm bảo một môi trường mà trong đó tương lai của Đài Loan được xác định một cách hòa bình phù hợp với nguyện vọng và lợi ích tốt nhất của người dân Đài Loan. Khi chúng ta làm như vậy, cách tiếp cận của chúng ta vẫn nhất quán với chính sách Một Trung Quốc và các cam kết lâu dài của chúng ta theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Ba Thông cáo chung và Sáu đảm bảo.
Chúng ta sẽ thúc đẩy mối quan hệ an ninh giữa các đồng minh và đối tác của chúng ta trong và ngoài khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm tìm ra các cơ hội mới để liên kết các cơ sở công nghiệp quốc phòng của chúng ta, tích hợp chuỗi cung ứng quốc phòng của chúng ta và hợp tác sản xuất các công nghệ quan trọng sẽ giữ vững các lợi thế quân sự chung của chúng ta. Trong quá trình này, chúng ta sẽ tập hợp các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và châu Âu của mình theo những cách mới, bao gồm cả thông qua quan hệ đối tác AUKUS.
Khi CHDCND Triều Tiên tiếp tục phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa gây mất ổn định, chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm đối thoại nghiêm túc và bền vững, với mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên và giải quyết các vi phạm nhân quyền đang diễn ra, đồng thời cải thiện cuộc sống và sinh kế của người dân Triều Tiên. Đồng thời, chúng ta đang tăng cường khả năng răn đe mở rộng và phối hợp với Hàn Quốc và Nhật Bản để đáp trả các hành động khiêu khích của CHDCND Triều Tiên, luôn chuẩn bị sẵn sàng để răn đe — và nếu cần, đánh bại — bất kỳ hành động gây hấn nào đối với Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta, đồng thời tăng cường nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân trong toàn khu vực. Trong khi tăng cường khả năng răn đe mở rộng chống lại các hệ thống tên lửa đạn đạo và hạt nhân cũng như các mối đe dọa mới nổi khác đối với sự ổn định chiến lược, Hoa Kỳ sẽ tìm cách làm việc với nhiều bên tham gia, bao gồm cả các đối thủ của chúng ta, để ngăn chặn và quản lý các cuộc khủng hoảng.
Chúng ta cũng sẽ đổi mới để đáp ứng các thách thức an ninh dân sự, mở rộng sự hiện diện, công tác huấn luyện và cố vấn của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ để tăng cường năng lực cho các đối tác của chúng ta. Chúng ta sẽ hợp tác để giải quyết và ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, bao gồm bằng cách xác định và theo dõi các chiến binh nước ngoài đi đến khu vực, xây dựng các phương án để giảm thiểu cực đoan hóa trên mạng và khuyến khích hợp tác chống khủng bố trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Và chúng ta sẽ tăng cường năng lực chung của khu vực để chuẩn bị và ứng phó với các thảm họa môi trường và thiên nhiên; các mối đe dọa sinh học tự nhiên, do sự cố hoặc có chủ ý; và buôn lậu vũ khí, ma túy và con người. Chúng ta sẽ cải thiện an ninh mạng trong khu vực, bao gồm khả năng của các đối tác của chúng ta để bảo vệ chống lại, khắc phục và ứng phó với các sự cố an ninh mạng.
5. XÂY DỰNG KHẢ NĂNG PHỤC HỒI CỦA KHU VỰC ĐỐI VỚI CÁC MỐI ĐE DỌA XUYÊN QUỐC GIA
Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là tâm chấn của cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng nó cũng rất quan trọng đối với các giải pháp khí hậu. Để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris sẽ đòi hỏi các nền kinh tế lớn trong khu vực phải điều chỉnh các mục tiêu của họ phù hợp với các mục tiêu về nhiệt độ của thỏa thuận. Điều này bao gồm việc thúc giục Trung Quốc cam kết và thực hiện các hành động phù hợp với mức độ tham vọng cần thiết để hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C. Các phản ứng chung của chúng ta đối với cuộc khủng hoảng khí hậu vừa là mệnh lệnh chính trị vừa là cơ hội kinh tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi hứng chịu 70% thảm họa thiên nhiên trên thế giới. Hoa Kỳ sẽ làm việc với các đối tác để xây dựng các mục tiêu, chiến lược, kế hoạch và chính sách năm 2030 và 2050 phù hợp với việc hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên 1,5 độ C và sẽ tìm cách trở thành đối tác ưu tiên khi khu vực chuyển sang một tương lai phát thải bằng 0. Thông qua các sáng kiến như Clean EDGE, chúng ta sẽ khuyến khích đầu tư và triển khai công nghệ năng lượng sạch, tìm cách thúc đẩy quá trình giảm thải cácbon trong lĩnh vực năng lượng và thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp với khí hậu. Hoa Kỳ sẽ làm việc với các đối tác để giảm tính dễ bị tổn thương của họ trước tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, đồng thời sẽ hỗ trợ khả năng phục hồi cơ sở hạ tầng quan trọng và giải quyết vấn đề an ninh năng lượng. Chúng ta cũng sẽ nỗ lực để bảo vệ sức khỏe và việc sử dụng bền vững các đại dương rộng lớn của khu vực, bao gồm thông qua việc sử dụng hợp pháp các nguồn tài nguyên của họ, tăng cường hợp tác nghiên cứu và thúc đẩy thương mại và giao thông có lợi.
Chúng ta sẽ hợp tác với khu vực để giúp chấm dứt đại dịch COVID-19 và xây dựng khả năng phục hồi trước các mối đe dọa chung. Chúng ta sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác để củng cố hệ thống y tế của họ chống lại những cú sốc trong tương lai, thúc đẩy đầu tư vào an ninh y tế toàn cầu và mở rộng các nền tảng khu vực để ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp, bao gồm cả các mối đe dọa sinh học. Chúng ta cũng sẽ làm việc thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), G7, G20 và các diễn đàn đa phương khác để tăng cường khả năng sẵn sàng và ứng phó. Chúng ta sẽ thúc đẩy các nỗ lực phục hồi của mình với sự phối hợp chặt chẽ với ASEAN, APEC, Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương (PIF) và các tổ chức khác.
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG - THÁI BÌNH DƯƠNG
Để thực hiện chiến lược này, chúng ta sẽ theo đuổi mười đường hướng nỗ lực cốt lõi trong 12 đến 24 tháng tới:
DỒN NGUỒN LỰC MỚI ĐẾN ẤN ĐỘ DƯƠNG - THÁI BÌNH DƯƠNG
Xây dựng năng lực chung đòi hỏi Hoa Kỳ phải thực hiện các khoản đầu tư mới trong khu vực. Chúng ta sẽ mở các đại sứ quán và lãnh sự quán mới, đặc biệt là ở Đông Nam Á và các đảo quốc ở Thái Bình Dương, đồng thời tăng cường sức mạnh của chúng ta trong các đại sứ quán và lãnh sự quán hiện hữu, tăng cường công tác khí hậu, y tế, an ninh và phát triển của chúng ta. Chúng ta sẽ mở rộng sự hiện diện và hợp tác của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ ở Đông Nam và Nam Á và các đảo quốc Thái Bình Dương, tập trung vào công tác cố vấn, huấn luyện, triển khai và nâng cao năng lực. Chúng ta sẽ tái tập trung hỗ trợ an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả việc xây dựng năng lực hàng hải và nhận thức về khu vực biển trong khu vực. Chúng ta cũng sẽ mở rộng vai trò của giao lưu nhân dân, bao gồm cả Đoàn Hòa bình. Trong chính phủ Hoa Kỳ, chúng ta sẽ đảm bảo chúng ta
có năng lực và chuyên môn cần thiết để đáp ứng các thách thức của khu vực. Xuyên suốt, chúng ta sẽ làm việc với Quốc hội để đảm bảo chính sách và nguồn cung ứng của chúng ta có sự ủng hộ cần thiết của lưỡng đảng để hỗ trợ vai trò khu vực mạnh mẽ và ổn định của chúng ta.
DẪN ĐẦU MỘT KHUÔN KHỔ KINH TẾ ẤN ĐỘ DƯƠNG - THÁI BÌNH DƯƠNG
Vào đầu năm 2022, chúng ta sẽ khởi động một mối quan hệ đối tác mới sẽ thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại tiêu chuẩn cao, quản trị nền kinh tế kỹ thuật số, cải thiện khả năng phục hồi và an ninh của chuỗi cung ứng, xúc tác đầu tư vào cơ sở hạ tầng minh bạch, tiêu chuẩn cao và xây dựng kết nối kỹ thuật số — tăng gấp đôi mối quan hệ kinh tế của chúng ta với khu vực đồng thời đóng góp rộng rãi vào cơ hội chung ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
TĂNG CƯỜNG SỰ RĂN ĐE
Hoa Kỳ sẽ bảo vệ lợi ích của chúng ta, ngăn chặn sự xâm lược quân sự chống lại đất nước của chúng ta cũng như các đồng minh và đối tác của chúng ta — bao gồm cả trên eo biển Đài Loan — và thúc đẩy an ninh khu vực bằng cách phát triển các khả năng mới, khái niệm tác chiến, hoạt động quân sự, các sáng kiến công nghiệp quốc phòng, v.v. và sự bố trí lực lượng linh hoạt hơn. Chúng ta sẽ làm việc với Quốc hội để tài trợ cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương và Sáng kiến An ninh Hàng hải. Thông qua quan hệ đối tác AUKUS, chúng ta sẽ xác định con đường tối ưu để chuyển giao các tàu ngầm năng lượng hạt nhân cho Hải quân Hoàng gia Úc vào thời điểm sớm nhất có thể; ngoài ra, chúng ta sẽ hợp tác sâu hơn và tăng cường khả năng tương tác thông qua một chương trình làm việc cụ thể về các năng lực nâng cao, bao gồm không gian mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và các khả năng dưới đáy biển.
CỦNG CỐ MỘT ASEAN ĐƯỢC TRAO QUYỀN VÀ ĐOÀN KẾT
Hoa Kỳ đang thực hiện các khoản đầu tư mới vào mối quan hệ Hoa Kỳ - ASEAN, bao gồm cả việc tiếp đón các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt Hoa Kỳ - ASEAN lịch sử — lần đầu tiên được tổ chức tại Washington, DC. Chúng tA cam kết tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN , và cũng sẽ tìm kiếm các tương tác cấp bộ trưởng mới với ASEAN. Chúng tA sẽ rót hơn 100 triệu đô la trong các sáng kiến mới của Hoa Kỳ-ASEAN. Chúng tA cũng sẽ mở rộng hợp tác song phương trên khắp Đông Nam Á, ưu tiên các nỗ lực tăng cường an ninh y tế, giải quyết các thách thức trên biển, tăng cường kết nối và làm sâu sắc hơn quan hệ giao lưu nhân dân.
ỦNG HỘ SỰ TRỖI DẬY VÀ VAI TRÒ LÃNH ĐẠO KHU VỰC CỦA ẤN ĐỘ
Chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng một mối quan hệ đối tác chiến lược, trong đó Hoa Kỳ và Ấn Độ cùng hợp tác và thông qua các nhóm khu vực để thúc đẩy ổn định ở Nam Á; cộng tác trong các lĩnh vực mới, chẳng hạn như y tế, không gian và không gian mạng; làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế và công nghệ của chúng ta; và đóng góp cho một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Chúng ta nhìn nhận Ấn Độ là một đối tác cùng chí hướng và là nhà lãnh đạo ở Nam Á và Ấn Độ Dương, hoạt động tích cực và kết nối với Đông Nam Á, động lực của Quad và các diễn đàn khu vực khác, đồng thời là động cơ cho tăng trưởng và phát triển khu vực.
ĐÁP ỨNG KỲ VỌNG VÀO QUAD
Chúng ta sẽ củng cố Quad như là một nhóm hàng đầu trong khu vực và đảm bảo nhóm này giải quyết được các vấn đề quan trọng đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhóm Quad sẽ đóng vai trò hàng đầu trong khu vực về ứng phó với COVID-19 và an ninh y tế toàn cầu, dựa trên khoản đầu tư của mình để cung cấp thêm một tỷ liều vắc xin cho khu vực và thế giới. Nó sẽ thúc đẩy nghiên cứu về các công nghệ then chốt và mới nổi, thúc đẩy hợp tác chuỗi cung ứng, triển khai công nghệ chung và thúc đẩy các nguyên tắc công nghệ chung. Nhóm Quad sẽ xây dựng một mạng lưới vận tải biển xanh và sẽ điều phối việc chia sẻ dữ liệu vệ tinh để nâng cao nhận thức về khu vực biển và ứng phó khí hậu. Các thành viên của nó sẽ hợp tác để cung cấp cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn cao ở Nam và Đông Nam Á và các đảo quốc ở Thái Bình Dương và sẽ làm việc để nâng cao năng lực không gian mạng của họ. Học bổng Quad sẽ chính thức ra mắt vào năm 2022, chiêu mộ lớp đầu tiên gồm 100 sinh viên từ cả 4 quốc gia để theo đuổi các bằng cấp sau đại học trong các lĩnh vực STEM tại Hoa Kỳ bắt đầu từ năm 2023. Quad sẽ tiếp tục gặp gỡ thường xuyên ở cấp lãnh đạo và cấp bộ trưởng.
MỞ RỘNG HỢP TÁC MỸ - NHẬT - HÀN
Gần như mọi thách thức lớn ở Ấn Độ - Thái Bình Dương đều đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc. Chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ thông qua các kênh ba bên về CHDCND Triều Tiên. Ngoài vấn đề an ninh, chúng ta cũng sẽ làm việc cùng nhau về phát triển khu vực và cơ sở hạ tầng, các vấn đề công nghệ then chốt và chuỗi cung ứng cũng như vai trò lãnh đạo và trao quyền cho phụ nữ. Chúng ta sẽ tìm cách phối hợp các chiến lược khu vực của mình trong bối cảnh ba bên nhiều hơn nữa.
HỢP TÁC XÂY DỰNG KHẢ NĂNG PHỤC HỒI Ở CÁC ĐẢO QUỐC THÁI BÌNH DƯƠNG
Hoa Kỳ sẽ làm việc với các đối tác để thiết lập một nhóm chiến lược đa phương hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương khi họ xây dựng năng lực và khả năng phục hồi với tư cách là các chủ thể độc lập, an toàn. Cùng nhau, chúng ta sẽ xây dựng khả năng chống chịu với khí hậu thông qua Cơ sở Hạ tầng Khu vực Thái Bình Dương; phối hợp để đáp ứng những thiếu hụt về cơ sở hạ tầng của Thái Bình Dương, đặc biệt là về công nghệ thông tin và truyền thông; xây dựng giao thông thuận tiện; và hợp tác để cải thiện an ninh biển để bảo vệ nghề cá, xây dựng nhận thức về khu vực biển, cũng như cải thiện công tác huấn luyện và cố vấn. Chúng ta cũng sẽ ưu tiên hoàn thiện các thỏa thuận của Hiệp định Hiệp hội Tự do với các Quốc gia Liên kết Tự do.
HỖ TRỢ QUẢN TRỊ TỐT VÀ CÓ TRÁCH NHIỆM
Chúng ta sẽ hỗ trợ năng lực của các chính phủ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong việc đưa ra các lựa chọn chính trị độc lập bằng cách giúp các đối tác xử lý tận gốc tham nhũng, bao gồm thông qua các chính sách phát triển và viện trợ nước ngoài, vai trò lãnh đạo tại G7 và G20, và một vai trò mới trong Đối tác Chính phủ Mở. Chúng ta cũng đang hợp tác với các chính phủ, xã hội dân sự và các nhà báo để đảm bảo họ có khả năng phơi bày và giảm thiểu rủi ro từ sự can thiệp và thao túng thông tin của nước ngoài. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ nền dân chủ ở Myanmar, hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác để thúc ép quân đội Myanmar quay trở lại nền dân chủ, bao gồm cả thông qua việc thực thi đáng tin cậy Đồng thuận Năm Điểm.
ỦNG HỘ CÁC CÔNG NGHỆ MỞ, LINH HOẠT, AN TOÀN VÀ ĐÁNG TIN CẬY
Chúng ta sẽ thúc đẩy cơ sở hạ tầng kỹ thuật số an toàn và đáng tin cậy, đặc biệt là đám mây và sự đa dạng của nhà cung cấp viễn thông, bao gồm thông qua các kiến trúc mạng sáng tạo như Open RAN bằng cách khuyến khích triển khai thương mại ở quy mô lớn và hợp tác về thử nghiệm, chẳng hạn như thông qua quyền truy cập chung vào các môi trường kiểm thử để cho phép phát triển các tiêu chuẩn chung. Chúng ta cũng sẽ tăng cường khả năng phục hồi chung trong các mạng lưới cơ sở hạ tầng và chính quyền quan trọng, đồng thời xây dựng các sáng kiến khu vực mới để cải thiện an ninh mạng tập thể và nhanh chóng ứng phó với các sự cố mạng.
KẾT LUẬN
Chúng ta đã bước vào một thời kỳ quan trọng mới của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, vốn sẽ đòi hỏi Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhiều hơn so với những gì được yêu cầu đối với chúng ta kể từ sau Thế chiến thứ hai. Các lợi ích quan trọng của chúng ta trong khu vực ngày càng rõ ràng hơn cũng như việc bảo vệ chúng trở nên khó khăn hơn; chúng ta sẽ không có sự xa xỉ trong việc lựa chọn giữa chính trị quyền lực và việc chống lại các mối đe dọa xuyên quốc gia; chúng ta sẽ trỗi lên vị trí lãnh đạo của mình về ngoại giao, an ninh, kinh tế, khí hậu, ứng phó với đại dịch và công nghệ.
Tương lai của Ấn Độ - Thái Bình Dương phụ thuộc vào những lựa chọn mà chúng ta đưa ra hiện tại. Thập niên quyết định trước mắt chúng ta sẽ xác định liệu khu vực có thể đối đầu và giải quyết biến đổi khí hậu hay không, tiết lộ cách thế giới tái thiết từ một đại dịch thế kỷ và quyết định liệu chúng ta có thể duy trì các nguyên tắc cởi mở, minh bạch và hòa nhập đã thúc đẩy thành công của khu vực. Nếu cùng với các đối tác của mình, chúng ta có thể củng cố khu vực trước những thách thức của thế kỷ 21 và nắm bắt cơ hội của nó, thì Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ phát triển mạnh mẽ, củng cố Hoa Kỳ và thế giới.
Tham vọng chiến lược đáng kể của chúng ta xuất phát từ niềm tin rằng không khu vực nào sẽ có hệ lụy đối với thế giới và đối với người Mỹ bình thường hơn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương — và rằng Hoa Kỳ cũng như các đồng minh và đối tác của chúng ta có một tầm nhìn chung cho nó. Bằng cách theo đuổi một chiến lược mà các trụ cột nền tảng được chia sẻ và bằng cách tăng cường năng lực của khu vực để hiện thực hóa chúng, Hoa Kỳ có thể cùng các nước khác hướng tới một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, kết nối, thịnh vượng, an toàn và kiên cường cho các thế hệ mai sau.