Sự đúng đắn của một chính sách đối đầu Trung Quốc
Y.A (Một quan chức chính phủ Nhật Bản)
Quan điểm về Tổng thống Donald Trump trong giới tinh hoa chính sách Nhật Bản rất phức tạp. Hãy hỏi một chuyên gia chính sách đối ngoại về chủ nhân hiện tại của Nhà Trắng, và hầu hết có lẽ sẽ tìm thấy nhiều điều để chỉ trích. Nhưng nếu bạn hỏi họ có thấy nhớ nhiệm kỳ Tổng thống Obama hay không, hầu hết những người đó cũng sẽ trả lời tiêu cực - có lẽ còn nhiều hơn.
Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đã tuyệt vọng với cái gọi là "cách tiếp cận thế kỷ 21" của Obama khi đối chiếu với thói quen sử dụng sức mạnh thô thiển thế kỷ 19 của Trung Quốc để đe dọa tất cả các nước trong khu vực nhằm xây dựng phạm vi ảnh hưởng của chính họ. Trong khi Tổng thống Obama nói về khả năng hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu trong nỗ lực biến đối thủ thành một bên liên quan có trách nhiệm, Bắc Kinh đang bận rộn triển khai tàu quân sự đến quần đảo Senkaku, đẩy Philippines ra khỏi bãi cạn Scarborough và xây đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản đã liên tục cảnh báo Hoa Kỳ về Trung Quốc. Bất chấp tất cả những thiếu sót khác nhau của Tổng thống Trump, có vẻ như Nhật Bản cuối cùng cũng có được một ai đó trong Nhà Trắng nhận ra và đánh giá đúng thách thức.
Mặc dù Nhật Bản không bao giờ công khai phản đối chính sách can dự lạc quan của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc (bắt đầu nở rộ thời chính quyền Clinton), các nhà Trung Quốc học của Nhật Bản chẳng mấy tin tưởng Trung Quốc sẽ trở thành một nền dân chủ tự do. Hầu hết các chuyên gia về Trung Quốc của Nhật Bản lập luận, dựa trên 2.000 năm kinh nghiệm, Trung Quốc sẽ không bao giờ thay đổi văn hóa hay bản chất: Ngàn năm Tàu vẫn là Tàu. Từ thời Khổng Tử vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, đối với người Trung Quốc, thiên hạ chỉ có một người cai trị: Thiên tử. Tất cả những “người man di” không phải người Hán phải thừa nhận sự ưu việt của Trung Hoa.
Nhật Bản chưa bao giờ chấp nhận quan điểm này. Cách tiếp cận lịch sử của Nhật Bản đối với Ấn Độ-Thái Bình Dương là duy trì chủ quyền của riêng mình trong khi vẫn bảo toàn các tương tác kinh tế, văn hóa cũng như chính trị với các nước láng giềng. Trước sự trỗi dậy gần đây của Trung Quốc, Nhật Bản vẫn quyết tâm duy trì chủ quyền và thịnh vượng. Trật tự quốc tế hiện tại và cán cân quyền lực khu vực, với Liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản là trụ cột chính, đã biến điều đó thành có thể. Nhật Bản muốn duy trì hiện trạng này.
Về phần mình, Trung Quốc đã liên tục thách thức hiện trạng này ít nhất kể từ năm 1992 khi họ thông qua Luật Lãnh thổ, đơn phương tuyên bố sáp nhập các đảo ở Senkaku và Biển Đông vào lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sau những nỗ lực thích nghi dưới thời chính quyền Clinton, Tổng thống Bush lên nắm quyền, chuẩn bị xử lý thách thức Trung Quốc một cách nghiêm túc. Bản lượng định quốc phòng 4 năm một lần (Quadrennial Defense Review) đầu tiên dưới thời chính quyền của ông, công bố vào tháng 9 năm 2001, lần đầu tiên nói đến thách thức Trung Quốc, nói rằng "tồn tại khả năng một đối thủ cạnh tranh quân sự với một cơ sở nguồn lực đáng gờm sẽ xuất hiện ở khu vực (châu Á)". Nhật Bản và Hoa Kỳ đã lên kế hoạch thảo luận về Trung Quốc trong cuộc họp thường niên giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York vào tháng 9 khi ngày 9.11 xảy đến. Trung Quốc nhanh chóng đồng ý hỗ trợ nỗ lực chống khủng bố toàn cầu của Hoa Kỳ, mang lại cho Bắc Kinh ít nhất một thập niên để tiếp tục nỗ lực hiện đại hóa trong khi Washington tập trung ở nơi khác. Người Trung Quốc bắt đầu đầu tư cấp tập vào việc chấn hưng quân đội già cỗi của họ và phát triển các năng lực triển khai sức mạnh hiện đại, bao gồm xây dựng lực lượng hải quân viễn dương đầu tiên của Trung Quốc trong thời hiện đại. Và Trung Quốc đã không ngại sử dụng các năng lực mới của mình. Các tiền đồn trên Biển Đông dần dần được xây dựng và chiếm đóng từng cái một, và từ năm 2008, Bắc Kinh bắt đầu cử các tàu tuần tra đi vào vùng lãnh hải Nhật Bản xung quanh Senkaku.
Tuy vậy, Tổng thống Obama không nhúc nhích để đưa ra được một đường lối cứng rắn hơn khi ông lên nắm quyền. Chính quyền Obama thực thi chính xác những gì các trí thức tự do trong quỹ đạo của họ đang chủ trương: tập trung vào hợp tác về các vấn đề toàn cầu gắn với việc tôn trọng cái gọi là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan và thảm họa nhân quyền ở Tây Tạng và Tân Cương) - tất cả vì hy vọng định hình Trung Quốc trở thành một quốc gia tự do hơn sẽ chia sẻ gánh nặng của Hoa Kỳ trong việc bảo trợ cho trật tự quốc tế hiện hữu. Cho đến ngày cuối cùng, chính quyền Obama vẫn tin Trung Quốc "có thể biến đổi được".
Trong suốt thời kỳ này, sự đồng thuận chính sách không phải là cố kết. Một nhóm thiểu số của những nhà Trung Quốc học của Washington cảnh báo về hiệu quả của can dự. Ví dụ, cuốn sách "Ảo tưởng Trung Quốc: Tại sao chủ nghĩa tư bản sẽ không mang lại dân chủ cho Trung Quốc" của James Mann năm 2007 đã lập luận rằng vấn đề trung tâm của khái niệm "can dự" trên thực tế là câu hỏi: Ai lôi kéo ai? Chúng ta có thực sự lôi kéo Trung Quốc, hay Trung Quốc đang lôi kéo hệ thống quốc tế vào lợi ích của chính mình? Và ai đang thay đổi ai - chúng ta đang thay đổi Trung Quốc, hay hệ thống quốc tế đang thay đổi để thích nghi với hành vi của Trung Quốc? Và phải công nhận Hoa Kỳ đã có chút ít phòng ngừa rủi ro trong canh bạc rằng Trung Quốc sẽ hồi tâm chuyển ý. Chính quyền Obama đã tăng cường liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản, tăng cường hợp tác quân sự với Úc và Philippines, và đón chào Ấn Độ và Việt Nam như là đối tác thân thiết. Tất cả những nỗ lực này được chào đón hơn cả nồng nhiệt ở Tokyo và các thủ đô châu Á khác.
Tuy nhiên, nhiệm vụ ưu tiên luôn là can dự với Trung Quốc. Chuyến đi của Obama đến Trung Quốc năm 2016 là một trường hợp điển hình. Tháng 7 năm đó, Bắc Kinh đã từ chối chấp nhận phán quyết của Tòa án quốc tế ở The Hague, nơi hỗ trợ áp đảo cho các yêu sách của Manila tại Biển Đông, gọi phán quyết chỉ là "một tờ giấy lộn". Một tháng sau, vào tháng 8, Trung Quốc đã điều khoảng 200 đến 300 tàu cá đến Senkaku. Ngay sau những sự kiện này, Tổng thống Obama đã đến thăm Hàng Châu và đưa ra Tờ thông tin (Fact Sheet) phản ánh các ưu tiên của Hoa Kỳ với Bắc Kinh: trong số đó có Gìn giữ hòa bình, Người tị nạn, Giảm thiểu rủi ro và hợp tác trên biển, Iraq, Hợp tác vũ trụ, Afghanistan, An ninh hạt nhân, Chống buôn bán động vật hoang dã, Hợp tác đại dương, Tăng cường hợp tác phát triển, châu Phi, và Y tế toàn cầu. Không hề đề cập đến việc quở trách hành vi cưỡng ép và gây bất ổn của Trung Quốc.
Đây là bối cảnh chiến lược khu vực cho cuộc bầu cử Tổng thống Trump. Nhật Bản, tất nhiên, cũng ngạc nhiên với kết quả như bất kỳ ai. Tuy nhiên, Tokyo đã nhanh chóng hành động. Thủ tướng Shinzo Abe đã nhanh chóng bay tới New York để gặp Tổng thống đắc cử Trump tại các văn phòng của ông ở Tháp Trump. Đây là một động thái mạo hiểm và chưa có tiền lệ, nhưng canh bạc của Nhật Bản đã được đền đáp, cho phép Abe đánh giá Trump về các vấn đề quốc tế, xây dựng mối quan hệ với đối tác tương lai của mình và đưa ra một thông điệp rõ ràng về tầm quan trọng của khu vực và thách thức đặt ra bởi Trung Quốc. Vào tháng 2 năm 2017, khi Abe gặp Trump sau khi ông nhậm chức, họ đã đồng ý một tuyên bố chung chưa từng có trong phạm vi và tham vọng của nó. Tác động tăng gấp đôi.
Đầu tiên, nó đã gửi một tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ đến Trung Quốc. Hai nhà lãnh đạo đã xác nhận tất cả các nguyên tắc cơ bản mà chúng tôi ở Tokyo coi là nền tảng cho hòa bình và ổn định trong khu vực: Sự tái cam kết của Hoa Kỳ đối với Ấn Độ-Thái Bình Dương, cho đến răn đe hạt nhân chống lại xâm lược lãnh thổ, cũng như tái cam kết theo đuổi phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. "Hoa Kỳ sẽ tăng cường sự hiện diện trong khu vực và Nhật Bản sẽ đảm nhận vai trò và trách nhiệm lớn hơn trong liên minh", thông cáo viết, và chỉ thị thêm rằng các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hãy "đánh giá vai trò, nhiệm vụ và khả năng tương ứng của mỗi quốc gia". Các phác thảo của đại cục đã được chính Trump đồng ý và tất cả các chi tiết khác sẽ được xử lý bởi các bộ trưởng cao cấp. Tuyên bố đầu tiên này đã trấn an không chỉ Nhật Bản mà cả các đồng minh và đối tác trên toàn khu vực.
Thứ hai, nó đã thay đổi quy cách ra quyết định về liên minh song phương. Bản tuyên bố đã được soạn thảo chung, phía Nhật Bản đóng góp tương đương, nếu không phải là nhiều hơn nữa, cho nội dung của nó. Áp lực tối đa đối với Bắc Triều Tiên, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, tầm quan trọng của Đông Nam Á - tất cả khái niệm này, ở một mức độ nhất định, là từ gợi ý của phía Nhật Bản. Một số người Mỹ có thể dễ dàng lướt qua ý nghĩa của quá trình chuyển đổi này đối với Nhật Bản. Kể từ khi kết thúc Đệ nhị thế chiến, chính sách đối ngoại của Nhật Bản đã ít nhiều đáp ứng và được định hình mạnh mẽ bởi các ưu tiên và ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Các quan chức và các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đã quen với việc phụ thuộc vào áp lực quốc tế để thông báo quyết sách của Nhật Bản - nhiều đến mức thậm chí còn có một thuật ngữ cho nó bằng tiếng Nhật: Gaiatsu (Ngoại áp lực). Về mặt tâm lý, đây là một bước đột phá quan trọng. Lần đầu tiên các quan chức Nhật Bản đã cùng xây dựng các định hướng chiến lược và cách tiếp cận các thách thức địa chính trị ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với các đối tác Mỹ của chúng tôi, thay vì hấp thụ quan điểm của họ và đưa ra nhìn nhận của chúng tôi như chúng tôi từng làm trong lịch sử.
Kể từ đó, Trump đã gọi điện cho Abe vào mọi dịp quan trọng - chẳng hạn trước và sau cuộc gặp với ông Tập Cận Bình và khi ông lên kế hoạch tiếp xúc với Triều Tiên. Theo truyền thông, tính đến tháng 5 năm 2019, Abe và Trump đã gặp nhau 10 lần, nói chuyện qua điện thoại 30 lần và chơi golf 4 lần. Lượng tiếp xúc này, cũng như các cuộc gọi điện thoại, hiện đã gấp bốn lần số lần tiếp xúc mà Abe có với Obama. Đây là mối quan hệ mật thiết nhất mà Trump đã thiết lập giữa các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Tuy nhiên, việc chính quyền Trump thực thi chính sách đối đầu với Trung Quốc đã gây ra sự bối rối đáng kể, đặc biệt là trong công chúng rộng lớn hơn. Như cựu Phó tổng thống Joseph Biden đã lập luận trong bài tiểu luận trên tờ Foreign Affairs gần đây, cách hiệu quả nhất để đáp trả thách thức đó (Trung Quốc) là xây dựng một mặt trận thống nhất giữa các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ để đối đầu với các hành vi lạm dụng của Trung Quốc. Khi Tổng thống Trump sử dụng đòn bẩy kinh tế không chỉ chống lại Trung Quốc mà còn chống lại các đồng minh và đối tác của mình, nó đã làm dấy lên nghi ngờ trong tâm trí nhiều người ở khắp khu vực về độ tin cậy của các cam kết và đảm bảo an ninh của Mỹ. Nhật Bản cũng không ngoại lệ. Một cuộc thăm dò gần đây của Nikkei được thực hiện vào tháng 1 năm 2020 đã tiết lộ rằng 72% người Nhật không muốn Tổng thống Trump tái đắc cử, chính xác là vì sự bất định này.
Thế nên, nếu có thể, chúng tôi có muốn quay trở lại thế giới trước Trump không? Đối với nhiều người ra quyết sách ở Tokyo, câu trả lời có lẽ là không, bởi vì có một chiến lược được thực hiện kém nhưng về cơ bản là đúng sẽ tốt hơn là có một chiến lược được thực hiện tốt nhưng mơ hồ. Chúng tôi chỉ không muốn nhìn thấy Hoa Kỳ quay trở lại can dự (với Trung Quốc - ND), điều mà chắc chắn sẽ đến với cái giá phải trả của chúng tôi và các quốc gia châu Á khác.
Chúng tôi chắc chắn không coi liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản là giao dịch mua bán về bản chất. Dẫu vậy, chúng tôi thích một liên minh vừa phục vụ tốt hơn lợi ích quốc gia của chúng tôi, vừa phục vụ lợi ích rộng lớn hơn của Hoa Kỳ hơn. Nói một cách dễ hiểu, một liên minh tập trung rõ ràng vào Trung Quốc tốt hơn một liên minh mơ hồ và không tập trung, hoặc tệ hơn nữa là sợ phải đương đầu với thách thức lớn nhất này. Làm thế nào để chia sẻ gánh nặng đó là vấn đề quản lý liên minh. Nói cách khác, nó là một vấn đề quá trình. Quan trọng là phải khẳng định lại rằng một liên minh là một phương tiện, không phải là mục đích, để phục vụ lợi ích quốc gia chung của chúng ta.
Đặc biệt, người Tây Âu có thể bị bối rối bởi kiểu tính toán này, nhưng đó chỉ đơn thuần là kết quả của cách tiếp cận giao dịch kinh tế của chính châu Âu khi nói đến Trung Quốc, vốn ưu tiên quan hệ kinh doanh và khiến các nhà lãnh đạo ngó lơ khi Trung Quốc hà hiếp các nước xung quanh. Đối với các quốc gia là đối tượng nhận lãnh sự cưỡng ép của Trung Quốc, một đường lối cứng rắn hơn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc quan trọng hơn bất kỳ khía cạnh nào khác trong chính sách của Hoa Kỳ. Giới tinh hoa châu Á - tại Đài Bắc, Manila, Hà Nội, New Delhi ngày càng tính toán rằng cách tiếp cận giao dịch mua bán và không thể đoán trước của Trump đỡ tệ hơn so với nguy cơ Hoa Kỳ quay trở lại ve vãn Trung Quốc trở thành "một bên có trách nhiệm". Một chuyên gia nổi tiếng đã đi xa đến mức khẳng định "giới tinh hoa của châu Á đã trở nên đầy lạc quan một cách kỳ lạ về một nhiệm kỳ thứ hai của Trump".
Sự thật là, đối mặt với áp lực liên tục từ Bắc Kinh, các nước châu Á đang tuyệt vọng tìm kiếm sự cam kết và sự hiện diện liên tục của Hoa Kỳ trong khu vực, và liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản là một thành phần quan trọng trong đó. Trong khi lặng lẽ phẫn uất trước việc Tổng thống Trump khoe khoang chuyện ông xoay sở vòi được bao nhiêu từ các đồng minh, hầu hết các quốc gia sẽ sẵn sàng xem xét một hình thức chia sẻ gánh nặng sửa đổi, với điều kiện các cam kết của Hoa Kỳ vẫn vững chắc. Có một cơ hội thực sự ở đây để thiết lập một động lực mới lành mạnh cho khu vực có thể đảm bảo sự ổn định trong nhiều thế hệ.
Tất nhiên, việc thực thi một chiến lược tinh vi hơn đối với việc cân bằng Trung Quốc, một chiến lược nhằm tận dụng các thế mạnh và hỗ trợ của các đồng minh có cùng chí hướng như Nhật Bản sẽ được hoan nghênh nhất. Dù ai cư ngụ trong Nhà Trắng vào tháng 1 năm 2021, kỳ vọng của Tokyo là tiếp tục cuộc thảo luận chiến lược song phương của chúng ta trên cơ sở bình đẳng, tập trung nỗ lực chung của chúng ta vào việc thực hiện khôn ngoan mục tiêu chiến lược hiện tại là duy trì ưu thế và sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm hậu thuẫn hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ hiện hữu mà tất cả chúng ta đã được hưởng lợi rất nhiều từ đó.