SIREP 18.6: Về cuộc gặp giữa Mike Pompeo và Dương Khiết Trì
Cuộc hội đàm kín giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác ngoại sự trung ương Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Hawaii vừa kết thúc cách đây vài tiếng đồng hồ.
Ngoài các thông tin được công bố chính thức, chưa có nhiều thông tin được tiết lộ về kết quả cuộc họp từ truyền thông.
Tuy nhiên, những tuyên bố từ hai phía được đưa ra sau đó cho thấy cuộc họp có vẻ như không đạt được kết quả đáng kể nào.
Thậm chí hai bên dường như còn bất đồng cả về việc ai là phía đưa ra lời mời tổ chức cuộc hội đàm.
Bản tin của Tân Hoa xã cho hay ông Dương tham dự cuộc đối thoại theo lời mời của Ngoại trưởng Pompeo.
Tuy nhiên, các nguồn tin ngoại giao và được Reuters và VOA dẫn lời trước đó cho biết chính Trung Quốc mới là phía đề nghị tổ chức cuộc gặp.
Có thể suy đoán là Bắc Kinh đưa ra đề nghị nhưng vì cuộc gặp diễn ra ở trên đất Mỹ (Hawaii), nên có thể phía Mỹ đưa ra lời mời về mặt thủ tục và Bắc Kinh vin vào chi tiết này để mô tả với dân chúng trong nước như là chính phía Mỹ xuống nước.
Nếu không phải như thế, trong hai phía sẽ có một phía nói dối!
Theo phía Trung Quốc, tại cuộc gặp hai bên trao đổi đầy đủ lập trường của mỗi bên và xem cuộc gặp mang tính xây dựng.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ có vẻ như không nhất trí về việc này. Thông cáo 6 dòng của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ cho biết ông Pompeo nhấn mạnh các lợi ích quan trọng của Mỹ và sự cần thiết của giao thiệp có đi có lại đầy đủ trong các tương tác thương mại, an ninh và ngoại giao.
Ông Pompeo cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc minh bạch toàn diện và chia sẻ thông tin để chiến đấu chống đại dịch Covid-19 và phòng chống bệnh dịch trong tương lai.
Thông cáo không nhắc đến chuyện hai bên đồng ý duy trì tiếp xúc và liên lạc như trong bản tin của Tân Hoa xã.
Thông cáo cũng không nhắc đến chi tiết trong bản tin của Tân Hoa xã cho biết hai phía đồng ý thực thi nghiêm chỉnh sự đồng thuận mà hai nguyên thủ đạt được.
Có thể “sự đồng thuận” được nhắc đến chính là thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Nếu như vậy, thỏa thuận này có thể vẫn chưa được xé bỏ, mặc dù cho đến nay Trung Quốc chưa thể gọi là “thực thi nghiêm chỉnh”.
Không lâu sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng trên website phần hỏi đáp của người phát ngôn Triệu Lập Kiên liên quan đến cuộc hội đàm nói trên.
Trong phần trả lời, Triệu Lập Kiên cho hay ông Dương đã nêu rõ lập trường của Trung Quốc trong ba vấn đề quan trọng là Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương.
Nội dung phát biểu của Dương được Triệu thuật lại cũng chỉ là những luận điệu quen thuộc trong ba vấn đề này.
Đáng chú ý là trong thời gian diễn ra cuộc họp từ 9 giờ đến 15 giờ 50 (giờ Hawaii), theo Reuters dẫn lời một quan chức ngoại giao Mỹ, có hai diễn biến quan trọng là Nhóm G7 đưa ra tuyên bố về Hồng Kông và Tổng thống Donald Trump ký Đạo luật Chính sách nhân quyền Duy Ngô Nhĩ.
Rõ ràng hai diễn biến này không giúp ích gì cho không khí cuộc họp. Chúng cũng thể hiện rằng phía Mỹ không hào hứng mấy với việc hàn gắn mối quan hệ với Trung Quốc trong lúc này.
Đây có vẻ như không phải là chiến thuật "vừa mắng vừa đàm" mà là sự tách bạch giữa việc tương tác với Trung Quốc với các bước đi nằm trong một cuộc đối đầu dài hơi.
Đối thoại thì cứ đối thoại, nhưng đối đầu thì vẫn đối đầu. Về cơ bản, chẳng có gì thay đổi trước và sau cuộc hội đàm được chờ đợi này. Quan hệ Mỹ - Trung vẫn trong quỹ đạo đi xuống.
Chúng ta có thể chờ nghe bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Hội nghị Dân chủ Copenhagen vào ngày 18 và 19.6 tới, cũng như các tiết lộ khác từ truyền thông để củng cố các suy đoán trên.
Duân