Khoảng 15 giờ 15 ngày hôm nay 23.6, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 10 (Haiyang Dizhi Shihao) của Trung Quốc đã đi vào khu vực quần đảo Hoàng Sa và tiếp tục di chuyển xuống phía nam với vận tốc khoảng 12 hải lý/giờ.
Theo dữ liệu trên trang Vessel Finder, tàu này rời Quảng Châu khoảng chiều ngày 22.6.
Dữ liệu hành trình của tàu Hải Dương Địa Chất 10 cho biết đích đến của tàu này là Xisha (Tây Sa, chỉ quần đảo Hoàng Sa).
Hải Dương Địa Chất 10 là một trong ba tàu khảo sát địa chất thế hệ mới của Trung Quốc, được xưng tụng là "tam kiếm khách".
Hai "kiếm khách" còn lại là Hải Dương Địa Chất 8 (Hai Yang Dizhi Bahao) và Hải Dương Địa Chất 9 (Haiyang Dizhi Jiuhao), đều trực thuộc Cục Khảo sát Địa chất Quảng Châu.
Tôi sẽ tiếp tục theo dõi hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 10. Tuy nhiên, có hai điểm đáng lưu ý:
1. Tàu Hải Dương Địa Chất 10 sẽ tiến hành khảo sát dầu khí hay đo đạc lập bản đồ địa chất ở Hoàng Sa?
Nếu tàu hoạt động ngay trong lòng quần đảo Hoàng Sa, thì nhiều khả năng nó tiến hành đo đạc lập bản đồ địa chất vì khu vực này được đánh giá là tiềm năng dầu khí rất thấp.
2. Trung Quốc định nghĩa Xisha (quần đảo Hoàng Sa) như thế nào?
“Khu vực Xisha” mà tàu Hải Dương Địa Chất 10 ghi trong hải trình có bao gồm vùng biển xung quanh Hoàng Sa hay không?
Cụ thể là có bao gồm cả khu vực mà Trung Quốc tự nhận là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) xung quanh Hoàng Sa hay không?
Dựa theo lược đồ này, chúng ta có thể thấy chỉ cần băng xuống phía nam một chút nữa là tàu Hải Dương Địa Chất 10 sẽ đi vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. (Lưu ý, đường cơ sở thẳng chỉ vẽ minh họa theo tuyên bố đường cơ sở của phía Trung Quốc, không có ý công nhận tuyên bố này).
Hoặc như vị trí ở phía gần đảo Tri Tôn mà Trung Quốc từng hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, xét theo phía Trung Quốc, cũng có thể bị họ coi là thuộc Xisha.
Vì vậy, trong trường hợp tàu Hải Dương Địa Chất 10 tiến hành khảo sát dầu khí, chưa thể loại trừ khả năng tàu này sẽ xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ở khu vực biển miền trung.
Trường hợp tàu Hải Dương Địa Chất 10 khảo sát trong lòng Hoàng Sa thì nhiều khả năng phía Việt Nam chỉ có thể đưa ra tuyên bố phản đối, tái khẳng định chủ quyền như các lần trước đây.
Tuy nhiên, nếu tàu này hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, chúng ta có thể chứng kiến một cuộc khủng hoảng mới.
Tôi sẽ tiếp tục theo dõi và chuyển đến các bạn những thông tin liên quan đến tàu Hải Dương Địa Chất 10!
Thân mến,
Duân
ADIZ thì sao Bác Duan Dang ơi
Cám ơn bác.
Chắc bác biết vụ Repsol gần đây, bác cho tí tin tức được không ạ?