Xin chào một tuần mới,
Câu chuyện đáng chú ý trong tuần này có lẽ là cuộc tập trận lớn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Sáng 28.6, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam thông báo Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc tập trận lớn ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, từ ngày 0 giờ ngày 1.7 đến hết ngày 5.7 (giờ Bắc Kinh).
Khu vực tập trận rộng đến 45.000 km vuông. Đây là một trong những cuộc tập trận có phạm vi rộng lớn nhất ở Biển Đông trong vài năm gần đây.
Hiện chưa có bất kỳ chi tiết nào khác về cuộc tập trận ngoài thông báo của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam.
Trung Quốc vẫn thường tiến hành các cuộc tập trận lớn ở Biển Đông vào dịp tháng 7. Năm ngoái, Trung Quốc cũng thông báo phong tỏa một khu vực lớn ở Biển Đông nằm giữa bãi Macclesfield và quần đảo Trường Sa ngay đúng dịp này.
Theo tiết lộ của quân đội Mỹ sau đó, Trung Quốc đã tiến hành bắn thử tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D ở Biển Đông trong cuộc tập trận nói trên.
Tuy nhiên, bầu không khí hiện này khiến tôi nhớ nhiều hơn đến những diễn biến trước phán quyết của Tòa Trọng tài ở The Hague vào ngày 12.7.2016.
Cuối tháng 6.2016, Mỹ đã điều hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS John C. Stennis tập trận ở Biển Philippines.
Và trước khi phán quyết được công bố, Trung Quốc thông báo tiến hành một cuộc tập trận lớn kéo dài gần một tuần ở khu vực quần đảo Hoàng Sa trải rộng đến phía đông đảo Hải Nam.
Các trang quân sự của Trung Quốc sau này vẫn lan truyền một phiên bản câu chuyện rằng hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ khi đó đã sẵn sàng tiến vào Biển Đông để thực thi phán quyết của tòa án. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bất ngờ tiến hành tập trận lớn chưa từng có ở Biển Đông nên phía Mỹ đã chùn tay.
Câu chuyện này có vẻ chỉ là thuyết âm mưu tầm phào cộng với kiểu khoác lác đặc sắc Trung Quốc. Nên tôi chỉ kể lại cho vui!
Cái đáng chú ý là hiện nay phán quyết của tòa án năm 2016 dường như đã tìm lại được sức sống mới nhờ vào cuộc chiến công hàm do Malaysia phát động vào cuối năm 2019, cũng như tuyên bố chung mới đây của ASEAN nhấn mạnh đến việc giải quyết tranh chấp theo UNLOS 1982.
Mỹ cũng cho thấy họ không đứng ngoài cuộc với những động thái gửi công thư lên Liên Hiệp Quốc vào đầu tháng 6, cũng như dòng tweet của Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 28.6, vừa chúc mừng tuyên bố của ASEAN vừa cảnh báo Mỹ sẽ còn nói nhiều về chuyện này.
Không chỉ thế, hiện nay ba nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ gồm USS Ronald Reagan, USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt đã được triển khai ở Tây Thái Bình Dương.
Chưa đầy 10 ngày, Mỹ tiến hành liên tiếp hai cuộc tập trận có sự tham gia của hai nhóm tàu sân bay ở Biển Philippines: một giữa USS Theodore Roosevelt với USS Nimitz và mới nhất là giữa USS Nimitz với USS Ronald Reagan, vừa bắt đầu ngày 28.6.
Khả năng cao là một hoặc cả hai nhóm tàu sân bay Mỹ sẽ tiến vào Biển Đông trong thời gian tới. Vì thế, cuộc tập trận của Trung Quốc ở Hoàng Sa có thể xem là nhằm đón đầu tàu sân bay Mỹ.
Vị trí cuộc tập trận càng khiến nó đáng chú ý hơn giữa bối cảnh căng thẳng xuyên eo biển Đài Loan leo thang bởi nó nằm gần với khu vực phía tây eo Ba Sĩ và quần đảo Pratas.
Trong vài tuần gần đây, khu vực này trở thành điểm nóng trong hoạt động trinh sát và săn ngầm, với tần suất hoạt động cao hiếm thấy của máy bay Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan.
Một điều không thể không nhắc đến là cuộc tập trận diễn ra giữa lúc có nhiều đồn đoán về việc Trung Quốc có thể sẽ thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, mà một trong số các phương án là ADIZ chỉ bao phủ khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Liệu đây có phải là một cuộc tập trận nhằm chuẩn bị và kiểm tra khả năng thiết lập và thực thi ADIZ ở Hoàng Sa hay không? Chúng ta cần phải chờ thêm nhiều chi tiết về cuộc tập trận này mới có thể phán đoán.
Tuy nhiên, sẽ thật thú vị nếu một tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông trong lúc cuộc tập trận diễn ra.
Cho đến lúc này, khả năng xảy ra một cuộc va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông vẫn rất thấp. Nhưng chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra một khi Trung Quốc dường như đã chọn cách tiếp cận ít nhiều phiêu lưu và mạo hiểm hơn trước, như được thể hiện trong vụ đụng độ chết người với Ấn Độ mới đây.
Về pháp lý: Không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, việc Trung Quốc tiến hành phong tỏa một khu vực rộng lớn, ngăn cấm không cho tàu bè qua lại vào thời điểm diễn ra tập trận còn có thể bị xem là cản trở quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Tôi sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến ở khu vực và cập nhật nếu có gì mới!
Thân ái,
Duân
Cảm ơn anh
cảm ơn thông tin của Duan Dang nhiều nhen...