Xin chào,
Bản tin hôm nay sẽ điểm qua hai sự kiện quan trọng là tàu sân bay Mỹ tập trận ở Biển Đông cùng việc tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát giàn khai thác khí Lan Tây ngày 4.7.
I. VỊ TRÍ TÀU SÂN BAY MỸ TẬP TRẬN Ở BIỂN ĐÔNG
Sau tiết lộ đầu tiên của tờ The Wall Street Journal về việc hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz đến Biển Đông ngày 4.7 để tập trận, Hải quân Mỹ đã chính thức xác nhận việc này vào đêm qua.
Cả trong thông báo cũng như tiết lộ với báo giới, các quan chức Mỹ không cho biết chi tiết khu vực diễn ra tập trận, ngoài trừ việc nói rằng nó sẽ không gần các đảo tranh chấp.
Vì thế, khu vực diễn ra tập trận là vấn đề hết sức được quan tâm từ hôm qua đến nay vì nó là chi tiết còn thiếu.
"Bằng các biện pháp nghiệp vụ", từ hôm qua đến nay tôi đã cố gắng trả lời câu hỏi này để gửi đến các bạn.
Đầu tiên, tôi đã xác định được hướng di chuyển của hai nhóm tàu sân bay này vào Biển Đông.
Với nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan, thông qua ảnh vệ tinh Sentinel-2, tôi xác định được tàu này ở vị trí cách eo San Bernardino của Philippines khoảng 30 hải lý vào sáng ngày 3.7.
Điều này khớp với các bức ảnh xuất hiện trên các trang mạng Philippines ngày 4.7, cho thấy tàu USS Ronald Reagan cùng tuần dương hạm USS Antietam đang băng qua eo San Bernardino ở miền trung Philippines trên đường vào Biển Đông. Các bức ảnh ở Philippines chắc chắn được chụp ngày 3.7.
Theo nguồn tin riêng của tôi trước đó như đã đưa trong ALERT ngày 4.7, tàu sân bay USS Ronald Reagan ở phía tây Philippines, gần khu vực bãi cạn Scarborough.
Trong khi đó, các bức ảnh vệ tinh tôi tiếp cận được cho thấy một nhóm tàu chiến, nhiều khả năng là tàu Mỹ, băng qua eo biển Ba Sỹ vào ngày 3.7.
Trong các bức ảnh này không có tàu sân bay. Tuy nhiên, điều này cũng gợi ý một nhóm tàu sân bay Mỹ khác, tức nhóm USS Nimitz đã vào Biển Đông qua eo Ba Sỹ giữa Đài Loan và Philippines.
Việc tàu sân bay không được chụp có thể do mây mù che phủ, hoặc vì độ bao phủ của vệ tinh.
Và đây mới là thứ gần như độc quyền mà tôi sẽ cung cấp cho các bạn, một tàu sân bay Mỹ được nhìn thấy ở cách bãi cạn Scarborough khoảng 56 hải lý về phía nam và đang di chuyển về hướng nam vào 9 giờ 44 ngày 4.7.
Tôi không muốn khoe khoang, nhưng chỉ cần nhìn vào độ mờ do mây che phủ các bạn cũng có thể hình dung việc xác định nó cần phải kỳ công và kết hợp một lượng thông tin tổng hợp như thế nào giữa biển trời bao la.
Chỉ bằng hình ảnh thì không thể phân biệt được tàu sân bay đó là tàu nào. Tuy nhiên, dựa vào hướng di chuyển của hai nhóm tàu, nhiều khả năng đây là tàu sân bay USS Nimitz.
Tất cả những thông tin hình ảnh trên, cùng với việc quan sát các hoạt động bay của máy bay tuần tra và trinh sát Mỹ, Trung Quốc và nguồn tin riêng giúp tôi kết luận vị trí tập trận của hai nhóm tàu chiến Mỹ sẽ nằm ở phía nam bãi cạn Scarborough và ở phía đông bắc quần đảo Trường Sa.
II. HẢI CẢNH TRUNG QUỐC ÁP SÁT GIÀN LAN TÂY
Đêm qua 4.7, một số bức ảnh lan truyền trên mạng cho thấy cảnh tàu hải cảnh 5402 của Trung Quốc áp sát giàn khai thác khí Lan Tây trong lô dầu khí 6.1 ở cự ly gần.
Các bức ảnh này được chú thích là "do một người bạn gửi". Nhờ một người bạn, tôi cũng đã được xem qua và kiểm chứng các bức ảnh này từ trước cả khi chúng xuất hiện trên mạng.
Tuy nhiên, nguồn gốc không quan trọng, điều quan trọng là nó đã xuất hiện và lan truyền.
Từ góc độ chụp, có thể thấy nó được chụp từ một tàu Việt Nam ở gần đó và tàu hải cảnh 5402 di chuyển rất sát giàn Lan Tây.
Bằng cách kiểm chứng từ dữ liệu hàng hải, tôi có thể khẳng định bức ảnh này là thật.
Cụ thể, tàu hải cảnh 5402 của Trung Quốc áp sát giàn Lan Tây trong khoảng thời gian từ 9 giờ 53 phút đến 10 giờ 27 phút ngày 4.7, giờ Việt Nam.
Trước đó, tàu này rời Tam Á ngày 1.7, đến Đá Xu Bi ngày 2.7 và ngày 3.7 bắt đầu trực chỉ lô 6.1. Đến sáng hôm nay, tàu 5402 vẫn di chuyển chậm ở sát Bãi Tư Chính.
Đây không phải là lần đầu tiên tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát khu vực khai thác của Việt Nam ở lô 6.1.
Ít nhất một lần ngày 27.6, tàu hải cảnh 5403 đã áp sát mỏ Lan Đỏ ở chếch về hướng đông bắc so với Lan Tây, cũng ở trong lô 6.1 do hãng Rosneft của Nga điều hành.
Ở Lan Đỏ hiện có hai giếng ngầm kết nối với Lan Tây bằng đường ống.
Tàu này từ Đá Chữ Thập đến Lan Đỏ từ 26.7 và đến ngày 28.7 thì quay trở về Đá Xu Bi.
Không rõ trước đây, các tàu hải cảnh Trung Quốc có từng áp sát khu vực khai thác hoạt động trong nhiều năm nay ở lô 6.1 hay chưa.
Tuy nhiên, việc các bức ảnh xuất hiện cộng với cự ly áp sát quá gần của nó gợi ý về mức độ leo thang gây hấn từ phía Trung Quốc.
Trước đây, Trung Quốc thường chỉ gây sức ép ở các khu vực mà Việt Nam khai thác mới, như các hoạt động khoan trong mỏ Phong Lan Dại, cũng ở lô 6.1.
Trong khi đó, hai mỏ Lan Tây và Lan Đỏ đã được vận hành nhiều năm qua. Việc Trung Quốc tăng cường quấy phá như thế có thể xuất phát từ ba lý do:
Trung Quốc thông qua việc quấy phá hoạt động bình thường ở các mỏ sẵn có để gây sức ép buộc Việt Nam không triển khai các hoạt động mới cũng như gây sức ép trong các vấn đề khác liên quan đến Biển Đông.
Trung Quốc chủ trương nâng cấp việc quấy phá hoạt động dầu khí của Việt Nam nói chung.
Lực lượng tại chỗ của Trung Quốc được cấp quyền tự do hoạt động nhiều hơn, đặc biệt sau khi có sự thay đổi cơ cấu tổ chức chỉ huy của hải cảnh Trung Quốc.
Dù xuất phát từ lý do gì, đây là hành động khiêu khích và cần phải lên án. Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra nguy hiểm hơn bao giờ hết ở Biển Đông!
Xin cám ơn các bạn đã theo dõi!
Thân mến,
Duân
ĐÍNH CHÍNH: Phiên bản đầu tiên của bài viết có chi tiết sai về “giàn Lan Đỏ”. Xin được đính chính rằng ở mỏ Lan Đỏ hiện chỉ có hai giếng ngầm kết nối với giàn Lan Tây chứ không có giàn khai thác nào cả.
Cảm ơn anh đã cung cấp thông tin nóng hổi.
cảm ơn Duan nhé , thông tin đáng quý, chả bù báo chí vn im thin thít...