SITREP 19.1: Mỹ dồn binh lực đến Tây Thái Bình Dương
Đáng chú ý hơn nữa là máy bay chỉ huy E-6B cũng được ghi nhận bay đến Guam cách đây ít ngày. Đây là máy bay được mệnh danh là “ngày tận thế” vốn đóng vai trò chỉ huy trên không trong trường hợp khủng hoảng và phụ trách liên lạc với tàu ngầm hạt nhân chiến lược.
1. Chuyển động quân sự
Theo trang USNI News, một lực lượng lớn của Hải quân Mỹ, bao gồm 2 nhóm tác chiến tàu sân bay và hai nhóm tàu đổ bộ tấn công, đang có mặt ở Biển Philippines trong những ngày này.
Cụ thể, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson và nhóm sẵn sàng đổ bộ tấn công USS Essex đã di chuyển ra Biển Philippines sau khi kết thúc cuộc tập trận ở Biển Đông.
Nhóm đổ bộ tấn công USS America cũng rời cảng Sasebo ra Biển Philippines trong khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln cũng đã có mặt tại khu vực. Ở khu vực này hiện còn có tàu USS Ronald Reagan nhưng nó vẫn ở quân cảng Yokosuka.
Nhiều khả năng tàu USS Abraham Lincoln đến khu vực Tây Thái Bình Dương thay thế cho tàu USS Carl Vinson còn tàu USS Essex đang trên đường trở về nước sau chuyến triển khai ở Trung Đông.
Tàu ngầm chiến lược USS Nevada ở đảo Guam - Ảnh: Hải quân Mỹ
Đó có thể là sự trùng hợp trong quá trình điều động hoặc là có ý đồ nhưng những chuyển động này tạo ra sự tập trung hiếm thấy của các nhóm tàu sân bay Mỹ. Đặc biệt cả ba tàu Carl Vinson, Abraham Lincoln và America đều vận hành chiến đấu cơ F-35.
Cũng liên quan đến chuyển động ở Tây Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ có động thái hiếm thấy là thông báo sự hiện diện của tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo lớp Ohio USS Neveda ở đảo Guam. Trước đó không lâu tàu ngầm tấn công lớp Virginia USS Missouri cũng đến Nhật Bản.
Đáng chú ý hơn nữa là máy bay chỉ huy E-6B cũng được ghi nhận bay đến Guam cách đây ít ngày. Đây là máy bay được mệnh danh là “ngày tận thế” vốn đóng vai trò chỉ huy trên không trong trường hợp khủng hoảng và phụ trách liên lạc với tàu ngầm hạt nhân chiến lược.
Bằng việc thông báo sự hiện diện của tàu ngầm USS Neveda và sự tập trung binh lực ở Tây Thái Bình Dương, Mỹ hẳn muốn gửi thông điệp răn đe đến Trung Quốc.
Những chuyển động này diễn ra giữa lúc có nhiều nghi ngờ về việc Nga sẽ sớm tấn công Ukraine.
Theo tôi, có một khả năng là Mỹ thực hiện động thái này nhằm răn đe Trung Quốc không thừa “nước đục thả câu”, lợi dụng cuộc tấn công của Nga để tiến hành động thái quân sự đối với Đài Loan hoặc ở Biển Đông.
2. Trung Quốc xa rời “đường lưỡi bò” ?
Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah mới đây nhận xét Trung Quốc gần đây dường như chuyển trọng tâm của những yêu sách phi pháp của họ ở Biển Đông sang cái gọi là “Tứ Sa” thay vì “đường lưỡi bò” như trước đây.
Theo RFA
Trung Quốc dường như đang chuyển từ cái gọi là “đường chín đoạn” sang một lý thuyết pháp lý mới để hỗ trợ các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của họ ở Biển Đông, mặc dù các nhà phân tích cho rằng phương án thay thế của họ cũng có vấn đề theo luật pháp quốc tế.
Bình luận với các phóng viên vào tuần trước, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết Bắc Kinh hiện “ít nói về “đường chín đoạn ”và thường xuyên nói về “Tứ Sa”. Ông cho biết sự chuyển hướng này đã được chứng kiến bởi các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và “thậm chí còn nghiêm trọng hơn” so với tuyên bố cũ.
Đây cũng là sự chuyển hướng mà tôi từng ghi nhận sau bài phát biểu của ông Vương Nghị về “Bốn tôn trọng” tại Hội nghị Ngoại trưởng Đông Á vào cuối tháng 8 năm ngoái.
Có thể thấy ông Vương Nghị đang biện bạch về quần đảo Trường Sa như một phần của cái gọi là chiến thuật “Tứ Sa” mà Bắc Kinh phát minh ra để thay thế cho “Đường lưỡi bò” vốn đã bị Tòa trọng tài bác bỏ và cộng đồng quốc tế lên án.
…
Tuy nhiên, Vương Nghị có vẻ như là quan chức Trung Quốc đầu tiên công khai áp dụng chiến thuật “Tứ Sa” khi nhắc đến quần đảo Trường Sa tại hội nghị Ngoại trưởng Đông Á.
Một điểm đáng chú ý nữa là Vương Nghị không nhắc gì đến cái gọi là “quyền lịch sử” ở Biển Đông, vốn vẫn được Trung Quốc khăng khăng trong các công hàm gửi đến Liên Hiệp Quốc vào cuối năm 2019 và trong năm 2020.
Tóm lại, những phát biểu của Vương Nghị một lần nữa cho thấy Trung Quốc đã xác định chia tay với “đường lưỡi bò” và chuyển sang bám lấy chiến thuật “Tứ Sa”.
Duân