Sitrep 21.9: Căng thẳng eo biển Đài Loan
Chào các bạn,
Tình hình căng thẳng eo biển Đài Loan những ngày gần đây đã leo thang với những động thái gia tăng sức ép từ phía Trung Quốc.
1. Đài Loan tuyên bố quyền phản kích tự vệ
Trong một thông cáo đăng trên website chiều 21.9, Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố Đài Loan có “quyền phản kích tự vệ” trước những sự “quấy nhiễu và uy hiếp tần suất cao” từ chiến đấu cơ và tàu chiến Trung Quốc.
Bộ này cũng nêu ra nguyên tắc “không leo thang xung đột và không châm ngòi sự cố” và tuy không khiêu khích, nhưng cũng không e sợ địch. (LINK)
Nói chung, Đài Loan xác định sẽ không nổ súng trước nhưng dứt khoát sẽ phản kích nếu bị tấn công.
Thông cáo được đưa ra sau nhiều tường thuật về tình huống nghiêm trọng ở eo biển Đài Loan những ngày qua.
Trước đó, liên tiếp trong hai ngày 18 và 19.9, gần 20 chiến đấu cơ và oanh tạc cơ Trung Quốc băng qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan cũng như xâm nhập vào khu vực tây nam Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Cụ thể:
Ngày 18.9: 2 oanh tạc cơ H-6, 8 tiêm kích J-16, 4 tiêm kích J-10 và 4 J-11.
Ngày 19.9: 2 H-6, 12 J-16, 2 J-10, 2 J-11 và 1 máy bay cảnh báo sớm Y-8.
Đáng chú ý là kênh CTV News Channel của Đài Loan ngày 20.9 tiết lộ diễn biến căng thẳng trong vụ xâm nhập ngày 19.9.
Theo đó, hai chiến đấu cơ Đài Loan sau khi cất cánh đến khu vực để ứng phó đã bị 6 tiêm kích Trung Quốc bao vây.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố đăng trên website của Bộ Quốc phòng ngày 20.9, Không quân Đài Loan đã phủ nhận chuyện này. (LINK)
Ngoài ra, cũng có nhiều sự chú ý dành cho tường thuật của tờ China Times về việc phi công Trung Quốc tuyên bố “không có cái gọi là đường trung tuyến” ở eo biển Đài Loan khi bị phi công Đài Loan yêu cầu rời đi. (LINK)
Nhiều người đánh giá chuyện này như là một bước ngoặt mới. Tuy nhiên, thực tế là Bắc Kinh chưa bao giờ thừa nhận “đường trung tuyến” ở eo biển Đài Loan, nên việc phi công của họ tuyên bố như thế không hẳn là điều khác thường.
Dẫu vậy, kịch bản Trung Quốc tăng cường khiêu khích để buộc Đài Loan nổ súng trước nhằm tạo cớ gây chiến là điều không thể loại trừ.
Đó cũng có thể là một trong những lý do Đài Loan công khai các nguyên tắc xử lý tình huống bộc phát và quyền phản kích tự vệ như đã nói ở trên.
Việc Trung Quốc leo thang gây sức ép và uy hiếp cũng khiến nguy cơ xảy ra sự cố ngoài tầm kiểm soát tăng cao.
Trái với tin đồn rộ lên trước đó, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ngày 20.9 cho biết bà không có kế hoạch nói chuyện qua điện thoại với tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. (LINK)
Vấn đề này thu hút dư luận sau khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshiro Mori, nhân chuyến tham dự lễ tưởng niệm cố Tổng thống Lý Đăng Huy, tiết lộ ông Suga đã nói ông hy vọng sẽ nói chuyện qua điện thoại với bà Thái nếu có cơ hội.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó cho hay Nhật Bản đã cam kết chuyện này "sẽ không bao giờ xảy ra", sau khi Bắc Kinh đề nghị Tokyo làm rõ.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng nói rằng "không có kế hoạch cho một cuộc điện đàm" giữa hai nhà lãnh đạo.
3. Trung Quốc tung clip mô phỏng tấn công Guam
Không quân Trung Quốc ngày 19.9 tung ra một đoạn clip tuyên truyền mô tả cảnh oanh tạc cơ H-6K tấn công tên lửa vào một khu vực giống với căn cứ không quân Andersen ở Guam. (LINK)
Đoạn clip được cho là nhằm mục đích cảnh cảo Mỹ không can thiệp vào Đài Loan. Nó được tung ra giữa lúc Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường Keith Krach có chuyến thăm Đài Loan dự lễ tưởng niệm cố Tổng thống Lý Đăng Huy.
Đoạn clip cũng xuất hiện cùng ngày Trung Quốc tổ chức tập trận không quân ở eo biển Đài Loan.
Tuy nhiên, giới quan sát nhanh chóng chỉ ra rằng một số cảnh quay trong đoạn video được cắt ra từ các bộ phim The Hurt Locker và The Rock.
Có vẻ như cả đến công tác tuyên truyền đe dọa địch thì Bắc Kinh cũng không sao chép không được. Về mặt này, những nhà tuyên truyền ở Trung Quốc có lẽ cần phải học hỏi thêm từ các đồng nghiệp của mình ở Bắc Hàn.
Duân