SITREP 27.2: Trung Quốc tập trận, eo biển Đài Loan
Tàu USS Ralph Johnson đã bật tín hiệu AIS trong lúc băng qua eo biển Đài Loan. Đây là lần đầu tiên một tàu chiến Mỹ bật tín hiệu AIS khi di chuyển qua eo biển Đài Loan, với mục đích công khai hải trình của họ.
1. Trung Quốc tập trận
Ngày 25.2, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam thông báo Trung Quốc sẽ huấn luyện quân sự tại khu vực phía đông đảo Hải Nam từ ngày 27.2 đến 1.3.
Khu vực này có bán kính 6 hải lý từ vị trí có tọa độ 19-37.12N/110-57.32E. Vị trí này chính là Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương trên đảo Hải Nam.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng thiết lập vùng cấm bay ở khu vực này vào sáng 27.2, từ 9 giờ 54 đến 10 giờ 19 (giờ Việt Nam). Hiện chưa rõ nội dung huấn luyện là gì.
Trong khi đó, Cục Hải sự Quảng Tây cũng thông báo Trung Quốc sẽ tập trận trong vịnh Bắc Bộ từ ngày 28.2 đến 3.3.
2. Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan
Ngày 26.2, Hạm đội 7 của Mỹ thông báo tàu khu trục USS Ralph Johnson (DDG 114) đã băng qua eo biển Đài Loan trong cùng ngày.
Tàu chiến Mỹ thường xuyên băng qua eo biển Đài Loan, với tần suất gần như là mỗi tháng 1 chuyến. Tuy nhiên, có 3 điểm đặc biệt trong lần băng qua eo biển Đài Loan này.
Thứ nhất, Hạm đội 7 đưa ra thông báo khi tàu USS Ralph Johnson vẫn đang di chuyển giữa eo biển. (Thông báo dùng thì hiện tại tiếp diễn và tôi có thể xác nhận về thời gian tàu di chuyển và thời điểm thông báo được đưa ra). Trước đây, các thông báo chỉ được đưa ra sau khi tàu chiến Mỹ đã hoàn thành việc di chuyển.
Thứ hai, tàu USS Ralph Johnson đã bật tín hiệu AIS trong lúc băng qua eo biển. Đây là lần đầu tiên một tàu chiến Mỹ bật tín hiệu AIS khi di chuyển qua eo biển Đài Loan, với mục đích công khai hải trình của họ.
Hải trình của tàu USS Ralph Johnson
Cuối cùng và đáng chú ý nhất là dữ liệu AIS cho thấy tàu USS Ralph Johnson đã vượt qua phía tây của đường trung tuyến trong lúc di chuyển qua eo biển.
Tôi không có dữ liệu hành trình của các lần tàu chiến Mỹ băng qua eo biển Đài Loan trước đây. Nhưng có những dấu chỉ gợi ý đây là lần đầu tiên tàu chiến Mỹ vượt qua phía tây đường trung tuyến, ít nhất trong vài năm trở lại đây.
Trước hết, như đã nói ở trên, đây là lần đầu tiên tàu Mỹ bật tín hiệu AIS khi qua eo biển. Thứ hai là thông báo của Hạm đội 7 có sự xuất hiện của một câu mới. Đó là:
“Chiếc tàu đã di chuyển qua một hành lang ở eo biển nằm ngoài lãnh hải của bất kỳ quốc gia ven biển nào”.
Theo tôi, qua câu này, phía Mỹ muốn khẳng định việc vượt qua đường trung tuyến không phải là vấn đề theo luật quốc tế. Câu này chưa từng xuất hiện trong các thông cáo trước đây.
Tàu USS Ralph Johnson vượt qua phía tây đường trung tuyến
Chắc chắn đây là động thái có chủ ý của phía Mỹ, dựa vào việc họ chủ động bật tín hiệu AIS và đưa thêm dòng trên vào thông cáo.
Tuy không đề cập cụ thể, nhưng phát ngôn viên Bộ tư lệnh chiến khu Đông bộ của Trung Quốc đã lên án đây là “hành động khiêu khích”.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, trong ngày 26.2, Trung Quốc đã triển khai 8 máy bay quân sự vào Vùng nhận diện phòng không Đài Loan, bao gồm 4 chiến đấu cơ J-11, 2 chiến đấu cơ J-16 và 2 máy bay săn ngầm Y-8.
3. Tàu nghiên cứu/khảo sát Trung Quốc
Trong ngày 26.2, một số tàu nghiên cứu/kháo sát của Trung Quốc đã từ Quảng Châu tiến ra biển, bao gồm tàu Hải Dương Địa Chất 8, Hải Dương Địa Chất 10 và Đại Dương.
Tàu Hải Dương Địa Chất 8 hiện di chuyển ở phía bắc quần đảo Hoàng Sa.
Tàu Hải Dương Địa Chất 10 đang thả neo ở phía nam tỉnh Quảng Đông.
Tàu Đại Dương đang hướng đến Tam Á.
Tam Á thường là địa điểm tập kết của tàu nghiên cứu/khảo sát của Trung Quốc mỗi khi tiến hành hoạt động thăm dò mới.
Có thể các tàu này chỉ hoạt động trong vùng biển Trung Quốc trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc chúng đồng loạt ra biển cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu một mùa khảo sát mới.
Duân