SITREP 3.8: Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ tư
Tại cuộc họp báo trưa ngày 3.8,, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố các cuộc tập trận mà Trung Quốc thông báo xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Đài Loan, không khác gì cuộc phong tỏa vùng biển và vùng trời của hòn đảo này.
Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế và cảnh báo sẽ đáp trả bất kỳ sự xâm phạm lãnh thổ nào.
Bộ Quốc phòng Đài Loan đưa ra phản ứng sau khi Trung Quốc thông báo quân đội nước này sẽ tiến hành tập trận tại 6 khu vực xung quanh Đài Loan từ 12 giờ ngày 4.8 đến 12 giờ ngày 7.8 (giờ Bắc Kinh). Thông báo cấm tàu bè và máy bay đi vào các khu vực này trong thời gian tập trận.
Dựa vào tọa độ do Tân Hoa xã thông báo, các khu vực tập trận này chồng lấn vào lãnh hải, thậm chí cả nội thủy của Đài Loan.
Đây là một bước leo thang so với các cuộc tập trận mà Trung Quốc tiến hành vào tháng 3.1996, trong cuộc khủng hoảng Đài Loan lần thứ ba trong giai đoạn 1995-1996. Vì thế, tình hình hiện nay dứt khoát là cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ tư.
Không chỉ thế, các khu vực tập trận này còn chồng lấn vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản và Philippines. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno ngày 3.8 cho biết nước này đã bày tỏ lo ngại với phía Trung Quốc về vấn đề này.
Thông báo tập trận là phản ứng nghiêm trọng nhất trong số các hành động của Trung Quốc kể từ khi máy bay chở Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đáp xuống Đài Bắc tối 2.8.
Mấu chốt của tình hình đối đầu hiện nay là việc các cuộc tập trận của Trung Quốc lấn vào lãnh hải Đài Loan. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa việc Trung Quốc thông báo và tiến hành triển khai trên thực tế.
Nếu Trung Quốc chỉ thông báo nhưng kiềm chế triển khai tàu chiến, máy bay vào lãnh hải và không phận Đài Loan, thì tình hình có thể được kiểm soát. Ngược lại, xung đột có thể sẽ bùng phát và leo thang bất kỳ lúc nào.
Tuy Bộ tư lệnh chiến khu Đông bộ của Trung Quốc liên tục đưa ra các thông báo, hình ảnh về hoạt động huấn luyện của các lực lượng không quân, hải quân, tên lửa và lực lượng chi viện chiến lược, nhưng cho đến lúc này dường như vẫn chưa có sự xâm phạm nghiêm trọng nào đối với phía Đài Loan.
Việc các cuộc tập trận bắt đầu từ lúc 12 giờ ngày 4.8 cho thấy Bắc Kinh dường như không có ý định khiêu khích trực tiếp Mỹ. Theo đó, các cuộc tập trận thực sự chỉ được tiến hành sau khi bà Pelosi đã rời khỏi Đài Loan.
Những thông báo, hình ảnh, clip về hoạt động mà Bộ tư lệnh chiến khu Đông bộ liên tục đưa ra có thể chỉ phục vụ cho mục đích đối nội, hướng đến đối tượng là dân chúng trong nước, thể hiện Bắc Kinh có những động thái lên gân với Mỹ. Các hành động quân sự thực sự chủ yếu chỉ nhắm vào Đài Loan, sau khi bà Pelosi rời đi.
Các kịch bản và mục tiêu của Trung Quốc: