SITREP 5.8: Khủng hoảng eo biển Đài Loan
Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay xung quanh Đài Loan, với các vụ phóng tên lửa liên tiếp trong ngày 4.8.
1. Diễn biến ngày 5.8:
Sáng 5.8, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết nhiều tàu chiến và máy bay Trung Quốc xuất hiện ở eo biển Đài Loan và băng qua đường trung tuyến ở eo biển này. Bộ Quốc phòng Đài Loan khẳng định đây là hành động khiêu khích cao độ.
2. Diễn biến ngày 4.8:
12 giờ (giờ Việt Nam): Lực lượng pháo binh lục quân của Bộ tư lệnh chiến khu Đông bộ tiến hành bắn pháo phản lực tầm xa PHL-191 từ đảo Bình Đàm ở tỉnh Phúc Kiến vào khu vực tập trận ở giữa eo biển Đài Loan.
Từ 13 giờ đến hơn 14 giờ: Các tên lửa đạn đạo, chủ yếu là Đông Phong 15B (DF-15B), được phóng từ ba địa điểm đến 4 khu vực tập trận ở phía bắc, đông bắc, đông và tây nam Đài Loan, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Chiến khu Đông bộ thông báo cuộc tập trận hoàn thành mục tiêu thử nghiệm năng lực tấn công chính xác và chống tiếp cận.
Chiều cùng ngày, đơn vị này tiếp tục thông báo họ đã triển khai hơn 100 chiến đấu cơ, oanh tạc cơ và các loại máy bay khác vào các khu vực ở phía bắc, tây nam và đông nam Đài Loan. Hơn 10 tàu khu trục và tàu hộ vệ cũng được triển khai đến các vùng biển xung quanh Đài Loan.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Đài Loan thông báo Trung Quốc phóng tổng cộng 11 tên lửa đạn đạo Đông Phong vào các vùng biển phía bắc, phía nam và phía đông Đài Loan.
Cũng bộ này cho biết, Trung Quốc đã triển khai tổng cộng 22 chiến đấu cơ, gồm 8 chiếc J-11, 12 Su-30 và 2 J-16 qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan trong cùng ngày.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng thông báo về sự xuất hiện của các máy bay không người lái Trung Quốc ở khu vực phía đông Đài Loan. Nhiều khả năng chúng được triển khai theo dõi khu vực mục tiêu của các đợt bắn tên lửa.
3. Các điểm đáng chú ý:
Không có xác nhận chính thức về loại tên lửa Đông Phong. Tuy nhiên, các đoạn clip được phía Trung Quốc công bố cho thấy các tên lửa Đông Phong 15B và Đông Phong 16 được phóng đi.
Có sự khác biệt giữa số lượng tên lửa do phía Nhật Bản và Đài Loan công bố. Phía Đài Loan cho biết có 11 tên lửa trong khi Nhật Bản công bố 9.
Dựa vào lược đồ do Nhật Bản cung cấp và các hình ảnh có thể xác định các vụ phóng tên lửa Đông Phong được thực bởi 3 đơn vị:
Lữ đoàn 616 đóng ở Cám Châu, Quảng Tây.
Lữ đoàn 613 đóng ở Thượng Nhiêu, Giang Tây. (Đơn vị này thực hiện vụ phóng từ địa điểm ở thành phố duyên hải Ninh Đức của Phúc Kiến).
Lữ đoàn 617 đóng ở Kim Hoa, Chiết Giang.
Tất cả đều thuộc Căn cứ 61 của Lực lượng Tên lửa Trung Quốc.
Các tên lửa bắn từ Ninh Đức vào khu vực phía đông Đài Loan bay qua hòn đảo này. Đây là một sự leo thang khiêu khích nghiêm trọng so với cuộc khủng hoảng năm 1995-1996. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết nó bay ngoài bầu khí quyển nên họ không áp dụng các biện pháp báo động.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản tố cáo 5 tên lửa Trung Quốc rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
4. Chuyển động của Nhật Bản, Mỹ
Tờ Financial Times dẫn một nguồn tin cho biết các chiến đấu cơ F-15 của Mỹ và Nhật Bản đóng ở Okinawa đã tiến hành cuộc tập trận chung trong hôm 4.8.
Mỹ cũng bố trí nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và hai nhóm tàu đổ bộ tấn công USS Tripoli và USS American xung quanh các khu vực Trung Quốc tập trận, theo USNI News.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã ra lệnh cho nhóm tàu Ronald Reagan duy trì hiện diện ở khu vực để quan sát tình hình.
Ông Kirby cũng thông báo Mỹ sẽ thực hiện các cuộc băng qua eo biển Đài Loan trong vài tuần tới, đồng thời sẽ tiế hành các bước khác để chứng tỏ cam kết an ninh với các đồng minh trong khu vực, bao gồm cả Nhật Bản.
Ngoài ra, Mỹ cũng tiến hành nhiều chuyến bay trinh sát ở những khu vực Trung Quốc tập trận trong những ngày qua.
5. Bình luận:
Trung Quốc
Trung Quốc dường như đang tiến hành một cuộc tổng diễn tập cho cuộc xâm lược Đài Loan mà họ sẽ tiến hành sau này. Kế hoạch mở đầu bằng cách cuộc tấn công mạng làm gián đoạn thông tin liên lạc, gây hoang mang trong dân chúng. Kế đó là các đợt phóng pháo phản lực hạng nặng nhằm phá hủy các căn cứ phòng không, căn cứ chỉ huy.
Các cuộc phóng tên lửa thực hiện chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) nhằm ngăn cản lực lượng tiếp viện của Mỹ ở khu vực phía đông. Sau đó, mới đến các đợt tấn công của không quân, hải quân và lực lượng đổ bộ.
Mặt khác, thông tin về các cuộc tập trận được cập nhật liên tục gần như theo thời gian thực. Động thái này nhiều khả năng hướng đến đối tượng dân chúng trong nước.
Nhật Bản
Nhật Bản phản ứng mạnh với việc tên lửa Trung Quốc rời vào vùng đặc quyền kinh tế của họ. Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhanh chóng lên tiếng, cung cấp thông tin đầy đủ và chi tiết, bao gồm cả bằng hình ảnh mô tả nhằm nhấn mạnh mối đe dọa đến từ tên lửa Trung Quốc. Điều này có thể giúp tác động đến dư luận ủng hộ các kế hoạch phát triển tên lửa tấn công tầm xa hoặc cho phép Mỹ đặt tên lửa tấn công tầm trung ở các quần đảo phía tây nam.
Mỹ
Ngoài việc triển khai hoạt động trinh sát, Mỹ có vẻ như vẫn án binh bất động với vai trò quan sát. Tuy nhiên, dựa vào phát biểu của phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia John Kirby, có thể thấy Mỹ vẫn đang chờ đợi Trung Quốc kết thúc cuộc tập trận và tình hình hạ nhiệt mới đưa ra các phản ứng về quân sự, chẳng hạn như điều tàu chiến băng qua eo biển Đài Loan ở một quy mô lớn hơn bình thường, không loại trừ khả năng sử dụng cả tàu đổ bộ tấn công hoặc tàu sân bay.
Duân