Trực tiếp: Chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi
Các phản ứng của Trung Quốc
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm thông báo triển khai “một số hành động quân sự” để đáp trả chuyến thăm của bà Pelosi.
Phát ngôn viên Bộ tư lệnh Chiến khu Đông bộ Thi Nghị tuyên bố kể từ tối 2.8, bộ tư lệnh này sẽ tiến hành các hành động quân sự liên hợp xung quanh Đài Loan, bao gồm tiến hành các cuộc huấn luyện không quân và hải quân liên hợp ở vùng biển và vùng trời phía bắc, tây nam và đông nam Đài Loan; tiến hành bắn đạn thật tầm xa ở eo biển Đài Loan; tổ chức bắn tên lửa thông thường ở vùng biển phía đông Đài Loan.
Trước đó, Tân Hoa xã cũng thông báo quân đội nước này sẽ tiến hành tập trận tại 6 khu vực xung quanh Đài Loan từ 12 giờ ngày 4.8 đến 12 giờ ngày 7.8 (giờ Bắc Kinh). Thông báo cấm tàu bè và máy bay đi vào các khu vực này trong thời gian tập trận.
Dựa vào tọa độ do Tân Hoa xã thông báo, các khu vực tập trận này chồng lấn vào lãnh hải, thậm chí cả nội thủy của Đài Loan. Đây là một bước leo thang so với các cuộc tập trận mà Trung Quốc tiến hành vào tháng 3.1996, trong cuộc khủng hoảng Đài Loan lần thứ ba.
Bộ Ngoại giao, Văn phòng công tác Đài Loan của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy ban đối ngoại của Chính hiệp, Phát ngôn viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội đều đưa ra các tuyên bố lên án chuyến thăm của bà Pelosi.
22h03: Chuyến bay SPAR19 chở bà Pelosi đã hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn vào khoảng 21 giờ 40, giờ Việt Nam.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan nói rằng không có chuyện Su-35 băng qua eo biển Đài Loan. Tuy nhiên có một số loại máy bay khác thực hiện hành động này.
21h33: Đài CGTN của Trung Quốc đưa tin các chiến đấu cơ Su-35 của nước này đang băng qua eo biển Đài Loan.
Trước đó, máy bay chở bà Pelosi đã bay vào không phận Đài Loan và chuẩn bị hạ cánh.
20h52: Đài NHK ở Nhật đưa tin 8 chiến đấu cơ F-15 cùng 5 máy bay tiếp liệu KC-135 của Mỹ đã cất cánh từ căn cứ Kadena ở Okinawa bay xuống phía nam. Nhiều khả năng tham gia làm nhiệm vụ cảnh giới cho chuyến bay chở bà Pelosi.
Tổng cộng 22 máy bay KC-135 của Mỹ đã đến Kadena trong những ngày qua, một số lượng lớn bất thường.
Trong khi đó, hiện có tường thuật rằng chiến đấu cơ F-16 của Đài Loan đang tuần tiễu ở eo biển Ba Sỹ. Cho đến nay vẫn chưa có tín hiệu về hoạt động của không quân Trung Quốc.
Chuyến bay SPAR19 dự kiến sẽ đáp xuống sân bay Tùng Sơn ở Đài Bắc vào lúc 21 giờ 44 phút (giờ Việt Nam), tức chưa đầy 1 tiếng nữa.
20h37: Chuyến bay SPAR19 đã thông báo điểm đến là sân bay Tùng Sơn ở Đài Bắc.
20h19: Cách đây vài tiếng đồng hồ, tờ The Financial Times dẫn lời các quan chức quân sự ở hai quốc gia láng giềng của Trung Quốc cho biết các đơn vị quân đội thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ đã tiến nhập tình trạng cảnh giác cao độ.
Không rõ hai quốc gia láng giềng này là nước nào? Có lẽ một quốc gia là Nhật Bản.
20h07: Lúc này máy bay SPAR19 đã bay gần đến eo Ba Sỹ. Nếu Trung Quốc có ý định can thiệp vào chuyến bay, sự việc có thể diễn ra ở khu vực eo Ba Sỹ. Tuy nhiên, khó có khả năng Trung Quốc thực hiện hành hành động này.
Dự kiến máy bay sẽ hạ cánh ở sân bay Tùng Sơn trong khoảng 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi nữa.
19h37: Kênh TVBS ở Đài Loan đưa tin các đảo tiền tiêu phía tây đã đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp độ 2.
Theo kênh này, lần cuối cùng các đảo tiền tiêu này đặt vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cấp độ 2 là trong cuộc khủng hoảng Đài Loan lần thứ 3 năm 1996.
Các đảo tiền tiêu này bao gồm Kim Môn và Mã Tổ là những quần đảo nằm sát Trung Quốc đại lục hiện do Đài Loan kiểm soát. Chúng nằm sát tỉnh Phúc Kiến, là nơi chứng kiến nhiều chuyển động quân sự của Trung Quốc trong hôm nay.
18h25: Sau khi bay đến đảo Sulawei của Indonesia, máy bay SPAR19 đã rẽ lên hướng bắc. Như vậy, có khả năng máy bay này sẽ bay đến Đài Loan.
Trong khi đó, hãng Reuters đưa tin website của Tổng thống Đài Loan đã hứng chịu một cuộc tấn công mạng từ nước ngoài.
Trang theo dõi máy bay Flightradar24 cũng cho biết họ bị tấn công mạng. Trước khi bị tấn công, số người theo dõi chuyến bay SPAR19 lên đến hơn 300.000 người. Đây là lượng theo dõi trực tiếp cao thứ hai trong lịch sử trên trang Flightradar24.
Chuyến bay được theo dõi nhiều nhất là chuyến bay DP935 chở nhà lãnh đạo đối lập người Nga Alexei Navalny từ Berlin trở về Moscow vào ngày 17.1.2021, sau khi ông được chữa trị vượt qua một vụ đầu độc. Chuyến bay này được đến gần nửa triệu người theo dõi trực tiếp trên trang Flightradar24.
17h25: Ngoài các loại xe tăng và trọng pháo xuất hiện trong các clip được cho là quay ở tỉnh Phúc Kiến ngày hôm nay, một clip quay cảnh các tên lửa đạn đạo Đông Phong 16 (DF-16) đang được di chuyển ở tỉnh Phúc Kiến cũng vừa mới xuất hiện trên mạng.
Đông Phong 16 có tầm bắn từ 8.00 đến 1.000 km.
16h43: Kênh TVBS ở Đài Loan có tiết lộ đáng chú ý là chiếc SPAR19 sẽ bay thẳng về Hawaii còn bà Pelosi sẽ sử dụng chiếc SPAR20 chưa cất cánh.
Cũng kênh này tiết lộ bà Pelosi sẽ kéo dài thời gian có mặt ở Đài Loan và chỉ rời đi vào buổi chiều sau khi dung bữa trưa với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và thăm một bảo tàng.
16h32: Chiếc máy bay SPAR19 đã bay đến tỉnh Trung Kalimantan của Indonesia. Cho đến lúc này có thể chắc chắn là nó sẽ không bay qua Biển Đông. Hiện có đến hơn 290.000 người theo dõi hành trình của chiếc máy bay này trên trang Flightradar24.
16h23: Cho đến lúc này vẫn chưa thấy tín hiệu của chiếc C-40C còn lại là SPAR20. Nếu bà Pelosi sử dụng máy bay thứ hai thì lúc này nó phải cất cánh để kịp đến Đài Loan theo lịch trình trước đó.
15h46: Khi bay vòng ra Biển Philippines, chiếc máy bay chở bà Pelosi sẽ được yểm trợ bởi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan khi tiến gần về phía đông eo Ba Sỹ.
Nó có thể được hộ tống bởi các chiến đấu cơ F-18 trên tàu sân bay và bảo vệ bởi lưới phòng không của các khu trục hạm trong nhóm tàu này.
15h22: Có thể thấy chiếc SPAR19 không bay thẳng từ Kuala Lumpur đến Đài Loan như các chuyến bay thông thường, mà bay theo hướng đông, nhiều khả năng vòng ra biển Philippines mà không bay qua Biển Đông.
Nhà báo thạo tin Josh Rogin của tờ The Washington Post tiết lộ máy bay sẽ vòng ra Philippines để hạn chế rủi ro.
Điều này có thể lý giải vì sao máy bay cất cánh sớm hơn bình thường so với thời gian tính toán là 5 tiếng đồng hồ.
15h12: Lúc 14 giờ 42 (giờ Việt Nam), chiếc máy bay C-40C của Không quân Mỹ có hô hiệu SPAR19 mà Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi từng sử dụng đã cất cánh rời hỏi sân bay Kuala Lumpur với đích đến không được tiết lộ.
Thời gian bay từ Malaysia đến Đài Bắc khoảng 5 tiếng đồng hồ. Theo tường thuật của truyền thông Đài Loan, thời điểm bà Pelosi đến sân bay Tùng Sơn ở Đài Bắc là vào khoảng 22 giờ đến 22 giờ 30, giờ địa phương, tức khoảng 21 giờ đến 21 giờ 30, giờ Việt Nam.
Dựa vào các cột mốc này, máy bay của bà Pelosi có thể cất cánh khoảng 16 giờ, giờ Việt Nam. Tuy nhiên, cần lưu ý là hiện không biết có phải bà Pelosi sử dụng máy bay hô hiệu SPAR19 hay không. Bởi trước đó, một chiếc C-40C có hô hiệu SPAR20 cũng đáp xuống Kuala Lumpur.
(Tiếp tục cập nhật)