Chào các bạn,
Bản tin hôm nay sẽ có nhiều thông tin đáng chú ý về Biển Đông như oanh tạc cơ H-6J đến Phú Lâm, tàu hải cảnh 5202 ở trong vùng biển Việt Nam, báo Mỹ phanh phui tài sản của thân nhân các lãnh đạo Trung Quốc…
I. BIỂN ĐÔNG
1. Oanh tạc cơ H-6J đến Phú Lâm
Một bức ảnh xuất hiện trên mạng cho thấy oanh tạc cơ Trung Quốc hiện đại nhất của Trung Quốc H-6J dường như đã được triển khai đến đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa.
Thông tin đầu tiên về diễn biến này được trang blog Chinese Military Aviation chuyên về các loại vũ khí, khí tài của Trung Quốc tiết lộ ngày 11.8.
Hình ảnh mới nhất (vào tháng 8.2020) gợi ý H-6J đã được triển khai đến đảo Phú Lâm ở Biển Đông.
Tuy trang này không đề cập đến hình ảnh cụ thể nào, nhưng trong cùng ngày 11.8 một tài khoản weibo ở Trung Quốc đã đăng bức ảnh chụp một oanh tạc cơ H-6J và được tài khoản Twitter @Rupprech_A đăng lại ngày 12.8.
Qua phân tích hình ảnh như dưới đây, tôi đã xác định có khả năng rất cao là bức ảnh được chụp ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (ngoại trừ trường hợp bức ảnh bị làm giả).
Những diễn biến này được trang The Drive tổng hợp trong bài viết đăng sáng nay. Trong đó, họ có dẫn lại tweet phân tích hình ảnh của tôi trên Twitter. (LINK)
Nếu được xác nhận, đây là diễn biến nghiêm trọng vì nó đánh dấu lần đầu tiên oanh tạc cơ H-6J được triển khai đến Phú Lâm.
Không chỉ là phiên bản hiện đại nhất hiện nay, đây còn là loại oanh tạc cơ của không quân hải quân Trung Quốc.
Lần duy nhất oanh tạc cơ H-6 được ghi nhận xuất hiện ở Phú Lâm là vào tháng 5.2018, khi Trung Quốc công bố một đoạn clip cho thấy oanh tạc cơ của không quân H-6K đáp xuống Phú Lâm.
Tuy nhiên, hình ảnh trong clip khi đó gợi ý oanh tạc cơ chỉ thực hiện cú "chạm và cất cánh" (touch and go) chứ không phải hạ cánh như bình thường.
Tuy vẫn chưa thể xác nhận được tuyệt đối, nhưng cần tiếp tục theo dõi diễn biến này. Những ngày qua một nhóm 4 chiến đấu cơ cũng nhiều lần xuất hiện trên bãi đỗ gần vị trí mà oanh tạc cơ H-6J có thể đã đậu. Có khả năng chúng được triển khai để tập trận ở Hoàng Sa.
Thông tin mà tôi có được cũng cho thấy có nhiều lượt máy bay vận tải quân sự bay đến Phú Lâm trong những ngày qua.
2. Hải cảnh 5202 và tàu kéo De Shun
Sau khi từ Đá Chữ Thập đi vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và tắt tín hiệu AIS vào chiều ngày 11.8, tàu hải cảnh 5202 của Trung Quốc đã mở lại tín hiệu vào sáng nay.
Tín hiệu cho thấy nó cách bờ biển tỉnh Khánh Hòa chưa đến 100 hải lý, di chuyển với tốc độ 3-5 hải lý/giờ.
Trong khi đó, tàu kéo De Shun mà tôi nhắc đến trong các Newsletter trước cũng đã mở tín hiệu trở lại từ ngày hôm qua. Tín hiệu cho thấy vào tối qua nó cũng xuất ở vùng biển ngoài khơi Khánh Hòa, di chuyển lên hướng bắc tây bắc với tốc độ 5 hải lý/giờ.
Vẫn chưa rõ hoạt động của hai tàu này có sự liên quan gì hay không.
Theo nhận định của một chuyên gia dầu khí với tôi, là tàu hỗ trợ xử lý neo và cung ứng dịch vụ (AHTS), nếu phục vụ công tác dầu khí thông thường chúng sẽ đi một lần hai chiếc để kéo giàn khoan tự nâng, xà lan vận chuyển, hoặc hỗ trợ làm neo cho xà lan cẩu. Nếu chỉ đi một mình thì có khả năng là làm nhiệm vụ tiếp tế hoặc hỗ trợ tàu khảo sát.
Tuy nhiên, chỉ dựa vào tín hiệu AIS thì chưa thể xác định De Shun đi một mình hay đi kèm tàu nào khác. Và hiện cũng không có dấu hiệu cho thấy có tàu khảo sát Trung Quốc nào hoạt động trong khu vực nói trên.
Do vậy, đây chỉ mới là những phỏng đoán dựa trên tín hiệu AIS chứ không phải là những gì xảy ra trên thực địa, điều mà chúng ta không có thông tin.
Tôi sẽ theo dõi, tìm hiểu và cập nhật thông tin về những tàu này.
3. Tàu sân bay Ronald Reagan
Ảnh vệ tinh ngày 12.8 cho thấy tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ vẫn hoạt động ở Biển Philippines ngày 12.8, như tin đã đưa trong bản tin ngày 10.8.
4. Oanh tạc cơ tàng hình B-2 của Mỹ đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Ngày 12.8, ba oanh tạc cơ tàng hình B-2 của Mỹ được triển khai đến căn cứ Diego Garcia ở Ấn Độ Dương, theo thông báo của lực lượng không quân Thái Bình Dương. (LINK)
Đây là lần đầu tiên B-2 đến Diego Garcia kể từ năm 2016. Từ căn cứ này, oanh tạc cơ B-2 có thể ứng phó tình huống căng thẳng ở vùng Vịnh hoặc Biển Đông.
Tuy nhiên, thông báo của lực lượng không quân Thái Bình Dương cho thấy hoạt động triển khai này liên quan đến căng thẳng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chứ không phải vùng Vịnh.
Cụ thể, chúng được triển khai "để hỗ trợ các sứ mệnh Phi đội oanh tạc cơ đặc nhiệm (Bomber Task Force) của Lực lượng Không quân Thái Bình Dương. (Nếu liên quan đến vùng Vịnh sẽ có thêm hỗ trợ lực lượng không quân của Bộ tư lệnh miền trung - CENTCOM).
Như vậy, trong thời gian tới chúng ta có thể sẽ chứng kiến các phi vụ của B-2 ở Biển Đông.
Cũng không thể không nhắc đến thông tin của tờ South China Morning Post ngày 12.8 về việc quân đội Trung Quốc được lệnh không nổ súng trước với Mỹ. (LINK)
Không rõ thông tin này có chính xác không nhưng dù sao cũng chỉ là “với Mỹ” chứ không phải các nước nhỏ hơn ở khu vực!
II. MỸ - TRUNG
1. Đàm phán thương mại
Vài ngày nữa Trung Quốc và Mỹ sẽ tiến hành cuộc họp trực tuyến đáng chú ý bàn về thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa các quan chức phụ trách thương mại hai nước.
Theo Bloomberg, các vấn đề liên quan đến TikTok và WeChat sẽ được nêu lên tại cuộc họp này. (LINK)
Trong khi đó, chiến dịch công kích và xử lý mối đe dọa Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vẫn tiếp tục leo thang, với phát biểu mới nhất trong chuyến công du châu Âu rằng mối đe dọa Trung Quốc lúc này còn lớn hơn cả Liên Xô thời chiến tranh Lạnh. (LINK)
Theo Bloomberg, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ sớm yêu cầu các Viện Khổng Tử ở Mỹ đăng ký là "phái bộ nước ngoài". (LINK)
2. Lệnh trừng phạt
Liên quan đến các lệnh trừng phạt, Bloomberg hôm 12.8 đưa tin các ngân hàng lớn quốc doanh lớn của Trung Quốc như Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Chiêu Thương Trung Quốc đang rà soát quan hệ với 11 quan chức Hồng Kông và Trung Quốc mới bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt để chuẩn bị cho trường hợp phải tuân thủ lệnh trừng phạt của Washington. (LINK)
Phát biểu tại một diễn đàn ngày 12.8, chuyên gia kinh tế Dư Vĩnh Định, cựu cố vấn của Ngân hàng Nhân dân, cũng nêu ra nguy cơ tài sản của các ngân hàng Trung Quốc ở nước ngoài bị tịch thu vì vi phạm các lệnh cấm vận ủa Mỹ. (LINK)
3. Hướng đến FTA với Đài Loan
Có nhiều tín hiệu gợi ý Mỹ và Đài Loan có thể xúc tiến đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do (FTA) trong tương lai.
Phát biểu trong sự kiện trực tuyến của Viện Hudson ngày 12.8, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho biết bà muốn khởi động đàm phám thương mại trong nỗ lực làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Mỹ. (LINK)
Trước đó, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar cũng xác nhận vấn đề này được nêu ra trong các cuộc tiếp xúc của ông với giới lãnh đạo Đài Loan trong chuyến công du vừa kết thúc. (LINK)
Cũng trong sự kiện của Viện Hudson, một nhà ngoại giao Đài Loan tiết lộ Đài Bắc đang đàm phán mua tên lửa hành trình và thủy lôi của Mỹ. (LINK)
4. Con gái Lật Chiến Thư lên sóng
Tờ The New York Times ngày 12.8 đăng bài viết đáng chú ý về tài sản của thân nhân các lãnh đạo Trung Quốc ở Hồng Kông cũng như mối quan hệ của họ.
Ba nhân vật được điểm mặt là Lật Tiềm Tâm, con gái Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội Lật Chiến Thư; Tề Kiều Kiều (họ mẹ), chị gái Chủ tịch Tập Cận Bình; và Uông Khê Sa, con gái Chủ tịch Chính hiệp Uông Dương.
Ba người này được cho sở hữu số tài sản lên đến hơn 51 triệu đô la ở Hồng Kông.
Điều thú vị là mối quan hệ giữa Lật Tiềm Tâm cùng chồng Hoa Thái Ba với Lật Chiến Thư từng bị tờ Apple Daily của Lê Trí Anh phanh phui cách đây ít năm.
Nay thì Lê Trí Anh vừa bị bắt (đã được tại ngoại) theo luật an ninh quốc gia của Hồng Kông do Ủy ban thường vụ Quốc hội của Lật thông qua cách đây không lâu.
Sự xuất hiện của bài báo trên tờ The New York Times lúc này thật đáng chú ý sau khi Mỹ vừa áp đặt lệnh trừng phạt lên 11 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông và có thể đang cân nhắc các lệnh trừng phạt khác.
Nhà báo chuyên về Trung Quốc Mike Forsythe của tờ The New York Times có một thread rất thú vị về quá trình điều tra của tờ này.
Thân mến,
Duân
Cảm ơn anh
Cảm ơn anh Duan