18.10: Giàn khoan Hưng Vượng, vũ khí bội siêu thanh, eo biển Đài Loan
Thời điểm chính xác và vị trí của cuộc thử nghiệm mới nhất không được tiết lộ. Tuy nhiên, vào tháng 8 năm nay, Trung Quốc đã thông báo tiến hành tập trận tại khu vực lớn chưa từng có ở Biển Đông từ ngày 6 đến 10.8.
1. Giàn khoan Hưng Vượng
Tuần qua có một diễn biến đáng chú ý là giàn khoan Hưng Vượng (COSL Prospector) của Trung Quốc di chuyển xuống phía nam, đi vào vùng biển Việt Nam.
Dữ liệu tàu biển và hình ảnh vệ tinh xác nhận di chuyển của giàn khoan Hưng Vượng, cho thấy nó đã vượt qua đường trung tuyến giả định ở khu vực từ ngoài cửa vịnh Bắc Bộ đến quần đảo Hoàng Sa trong ngày 13 và 14.10.
Tuy nhiên, nó đã di chuyển ngược lên phía bắc gần như ngay sau đó. Chuyển động này nhiều khả năng là nhằm tránh cơn bão số 8 (Kompasu) quét qua khu vực vào thời điểm đó, chứ không phải đang tiến hành chiến dịch khoan xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Cả giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 cũng di chuyển gần hơn xuống quần đảo Hoàng Sa trước khi ngược lên phía bắc.
Trong khi đó, tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc cũng rời Tam Á từ ngày 9.10 trước khi quay trở lại cảng vào ngày 16.10, nhiều khả năng cũng nhằm tránh đường di chuyển của bão.
2. Trung Quốc thử vũ khí bội siêu thanh
Tờ The Financial Times ngày 17.10 tiết lộ Trung Quốc đã khiến giới tình báo Mỹ bất ngờ với vụ thử nghiệm vũ khí bội siêu thanh vào tháng 8.
Năm người am tường cuộc thử nghiệm cho biết quân đội Trung Quốc đã phóng một tên lửa mang theo một phương tiện lướt bội siêu thanh bay qua không gian quỹ đạo thấp trước khi bay xuống mục tiêu.
Theo tin tức tình báo, tên lửa đã chệch mục tiêu khoảng hai chục dặm. Tuy nhiên, hai người nói rằng cuộc thử nghiệm cho thấy Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kinh ngạc về vũ khí bội siêu thanh và tiên tiến hơn nhiều so với những gì các quan chức Mỹ nhận ra.
Tờ báo Anh cho biết thêm tên lửa được sử dụng trong vụ thử nghiệm là tên lửa Trường Chinh và vũ khí này được phát triển bởi Viện Khí động học hàng không vũ trụ Trung Quốc (CAAA).
Không có nhiều thông tin được tiết lộ nhưng loại vũ khí mới có nhiều đặc điểm giống với loại phương tiện bội siêu thanh mà CAAA từng công bố thử nghiệm vào tháng 8.2018.
Khi đó, CAAA cũng thông báo đạt được thành công trong thử nghiệm ban đầu với phương tiện bội siêu thanh “Tinh Không 2” được gắn trên một tên lửa vũ trụ. Vũ khí này đạt được vận tốc Mach 6.
Thời điểm chính xác và vị trí của cuộc thử nghiệm mới nhất cũng không được tiết lộ. Tuy nhiên, vào tháng 8 năm nay, Trung Quốc đã thông báo tiến hành tập trận tại khu vực lớn chưa từng có ở Biển Đông từ ngày 6 đến 10.8.
Vào sáng ngày 8.8, Trung Quốc thiết lập một vùng cấm bay rộng lớn nằm bên trong khu vực tập trận này.
Vào tháng 8.2020, Trung Quốc cũng tiến hành một cuộc tập trận như thế ở Biển Đông, với việc ban hành cảnh báo hàng hải và cảnh báo hàng không tại một khu vực rộng lớn phía đông nam đảo Hải Nam. Thông tin được tiết lộ sau đó cho biết Trung Quốc đã bắn tên lửa đạn đạo Đông Phong 21D và Đông Phong 26 ra khu vực.
Điều khác biệt là trong cuộc tập trận năm 2020, ngoài vùng cấm bay ở khu vực mục tiêu, Trung Quốc còn thiết lập vùng cấm bay ở cả những khu vực dành cho các mảnh vỡ của tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, những vùng cấm bay như thế không được thiết lập trong cuộc tập trận năm 2021. Vì thế, không loại trừ khả năng chính loại vũ khí bội siêu thanh đã được thử nghiệm ở Biển Đông trong cuộc tập trận tháng 8 năm nay.
3. Eo biển Đài Loan
Ngày 17.10, Hải quân Mỹ xác nhận tàu khu trục USS Dewey và tàu hộ vệ HMCS Winnipeg của Canada đã cùng băng qua eo biển Đài Loan vào ngày 15.10.
Trước diễn biến này, Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ của Trung Quốc đã đưa ra thông cáo với những lời lên án gay gắt hơn thường lệ, cáo buộc Mỹ và Canada phá hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Trung Quốc phản ứng tức tối bởi đây là lần đầu tiên tàu chiến Mỹ và một quốc gia khác cùng phối hợp tiến hành chuyến băng qua eo biển Đài Loan.
Thời gian gần đây, nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ cũng không còn ngần ngại trong việc điều tàu chiến băng qua eo biển Đài Loan. Chẳng hạn, như tàu HMS Richmond của Anh hay tàu tình báo Dupuy-de-Lome của Pháp.
Kết hợp với cuộc tập trận của 3 tàu sân bay với sự tham gia của 6 quốc gia ở gần Đài Loan vào đầu tháng 10, dường như những nỗ lực của Mỹ thu hút sự tham gia của các đồng minh vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã ít nhiều có được kết quả.
Nato sẽ mở rộng trọng tâm để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc - The Financial Times
Ở một khía cạnh khác, hình ảnh vệ tinh ngày 15.10 cho thấy một tàu khu trục của Trung Quốc dường như đã bám theo hai tàu chiến của Mỹ và Canada khi nó đi vào eo biển từ Biển Đông.
Tuy nhiên, khi đến cửa phía nam của eo biển, tàu khu trục Trung Quốc đã hướng đến phía tây của đường trung tuyến ở eo biển trong khi hai tàu của Mỹ và Canada di chuyển bên phía đông.
Diễn biến này cho thấy tàu chiến Trung Quốc vẫn có xu hướng xem đường trung tuyến như một ranh giới, mặc dù chiến đấu cơ của nước này không ít lần vượt qua đường ranh trên thực tế này.
Tuy vẫn theo dõi tàu chiến Mỹ và Anh băng qua eo biển nhưng việc Trung Quốc di chuyển phía bên này sẽ giúp hạn chế rủi ro dẫn đến va chạm ngoài dự tính.
4. Chuyển động khác
Cuối tuần qua, Mỹ hai lần triển khai oanh tạc cơ B-1B bay vào Biển Đông thông qua eo biển Ba Sỹ vào các ngày 16 và 17.10.
Ngày 17.10, tàu tác chiến cận bờ (LCS) USS Charleston của Mỹ ghé vào căn cứ Subic của Philippines. Đây là lần thứ 2 trong vòng 2 tháng tàu USS Charleston ghé thăm Philippines, sau chuyến thăm vào tháng 8.
Những chuyến thăm này được nối lai sau khi Mỹ cùng Philippines quyết định gia hạn Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA). Như vậy, ngoài căn cứ Changi ở Singapore, các tàu LCS của Mỹ hiện có thể tiếp cận căn cứ Subic. Trước đây, các tàu này cũng vài lần ghé vào căn cứ Cam Ranh của Việt Nam. Việc tiếp cận tam giác 3 căn cứ ở Biển Đông sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu LCS của Mỹ hoạt động ở khu vực.
Ngày 15.10, tàu khảo sát Đại Dương của Trung Quốc đã rời khỏi vùng biển Malaysia và ngược lên phía bắc. Trong khi đó, tàu Hải Dương Địa Chất 10 vẫn hoạt động trong vùng biển Indonesia.
Duân