Chào các bạn,
Xin thứ lỗi vì khoảng thời gian tạm dừng khá lâu kể từ bản tin cuối năm 2020. Lý do là tôi đã cố gắng trì hoãn bản tin đầu tiên của năm cho đến khi những cơn xáo động về tình hình chính trị ở Mỹ tạm lắng xuống với việc Tổng thống Joe Biden tuyên thệ nhậm chức. Mong các bạn thông cảm!
Ngoài ra, tôi cũng vừa tạo một kênh Telegram để cập nhật thêm những tin nóng về Biển Đông hoặc tình hình khu vực. Các bạn quan tâm có thể vào đường LINK NÀY đây để đăng ký theo dõi!
Bản tin hôm nay sẽ bao gồm những thông tin như Trung Quốc sắp thông qua luật hải cảnh, Nhật Bản tham gia cuộc chiến công hàm ở Biển Đông, giàn khai thác Deepwater I…, cũng như vài nhận xét sơ lược của tôi về sách lược Đông Á của chính quyền Biden.
I. Biển Đông
1. Quốc hội Trung Quốc chuẩn bị thông qua luật Hải cảnh
Tân Hoa xã đưa tin Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc đã khai mạc kỳ họp thứ 25 vào ngày 20.1.
Đáng chú ý là tại kỳ họp này, họ sẽ xem xét dự luật hải cảnh được đưa ra lấy ý kiến dư luận từ tháng 11.2020.
Dự luật này sẽ gia tăng quyền hạn cho lực lượng hải cảnh Trung Quốc, cho phép họ sử dụng vũ lực và nổ súng trong một số trường hợp. Nó có nguy cơ khiến căng thẳng ở Biển Đông và Hoa Đông gia tăng, châm ngòi cho các va chạm, giữa lúc Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh việc sử dụng hải cảnh để tăng cường sự kiểm soát các vùng biển ở khu vực.
Theo dự kiến, dự luật sẽ được thông qua vào ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 25 vào hôm 22.1.
2. Nhật Bản tham gia cuộc chiến công hàm ở Biển Đông
Ngày 19.1.2021, Phái đoàn đại diện thường trực Nhật Bản tại Liên Hiệp Quốc đã gửi công hàm đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc bác bỏ quan điểm của Trung Quốc trong công hàm CML/63/2020 gửi ngày 18.9.2020.
Công hàm của Nhật Bản bác bỏ quan điểm của Trung Quốc cho rằng "việc vẽ đường cơ sở lãnh hải của Trung Quốc ở các đảo và đá ngầm liên quan ở Biển Đông tuân theo UNCLOS và luật pháp quốc tế".
Dường như động thái của Nhật Bản không đơn thuần là sự khẳng định chung chung phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế mà bắt nguồn từ một sự vụ cụ thể về quyền tự do hàng không.
Cụ thể, công hàm đề cập đến việc Trung Quốc phản đối máy bay Nhật Bản bay qua không phận xung quanh Đá Vành Khăn và nỗ lực của Trung Quốc nhằm hạn chế quyền tự do hàng không ở Biển Đông.
Theo phán quyết của Tòa trọng tài ngày 12.7.2016, Đá Vành Khăn là thực thể lúc chìm lúc nổi (LTE), do đó không làm phát sinh lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.
Theo lập luận của phía Nhật Bản, LTE không có lãnh hải và không phận riêng, nên máy bay có quyền bay xung quanh hoặc bên trên thực thể này.
Hiện chưa rõ việc Trung Quốc phản đối chuyến bay của máy bay Nhật Bản và hạn chế quyền tự do hàng không xảy ra trong thời điểm và hoàn cảnh nào.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng Nhật Bản đã cho máy bay tuần tra bay vào phạm vi 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn, bởi hiếm có trường hợp máy bay thương mại bay sát các thực thể như thế.
Nếu như vậy, đây cũng có thể xem là động thái của Nhật Bản nhằm thực hiện quyền tự do hàng không ở Biển Đông, tương tự các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ (FONOP).
3. Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đến sát Biển Đông
Thông tin mới nhất cho thấy tàu sân bay USS Theodore Roosevelt được cho là đã đến phía đông eo biển Ba Sỹ trong chuyến triển khai đến tây Thái Bình Dương.
Cụ thể, một máy bay cảnh báo sớm E-2 Hawkeye trên tàu USS Theodore Roosevelt được ghi nhận cất cánh từ phía đông eo biển Ba Sỹ và hướng về phía đông nam Đài Loan vào tối 20.1.
Trong sáng hôm nay, nhiều lượt máy bay trinh sát Mỹ cũng được ghi nhận hoạt động ở phía nam Đài Loan. Diễn biến này gợi ý tàu sân bay Mỹ có thể sớm tiến vào Biển Đông trong những ngày tới.
Trước đó, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đã có cuộc diễn tập với tàu chiến Nhật Bản ở gần Okinawa.
Hiện tàu Sơn Đông cùng tàu đổ bộ tấn công Type 075 vẫn đang ở quân cảng Tam Á sau khi tàu sân bay Trung Quốc kết thúc chuyến huấn luyện dài 10 ngày ở phía nam Hải Nam vào thượng tuần tháng 1.
4. Trung Quốc chuẩn bị đưa giàn khai thác mới ra Biển Đông
Truyền thông Trung Quốc mới đây đưa tin giàn khai thác dầu khí nửa chìm nửa nổi Thâm Hải nhất hào (Deepwater I) sẽ được kéo đến khu vực Biển Đông ở phía nam đảo Nam Hải vào tháng 2.
Giàn Deepwater I sẽ hoạt động ở mỏ Lăng Thủy 17-2 (Lingshui 17-2) và dự kiến sẽ đón dòng khí đầu tiên vào tháng 6.
Mỏ Lăng Thủy 17-2 nằm cách Hải Nam khoảng 150 km về phía nam. Khu vực này nằm bên phía Trung Quốc so với đường trung tuyến giả định ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và là nơi Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác lâu nay.
Giàn khai thác Deepwater I (trái)
Tuy khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ chưa được phân định, nhưng từ trước đến nay không thấy Việt Nam phản đối những hoạt động của Trung Quốc ở khu vực nằm bên kia của đường trung tuyến giả định.
Nhiều khả năng giữa hai bên đã ngầm chấp nhận những hoạt động trên thực tế của nhau ở mỗi bên của đường trung tuyến giả định, tại những khu vực cách xa quần đảo Hoàng Sa.
Vì thế, tôi dự đoán Hà Nội sẽ không lên tiếng phản đối động thái này, cho dù những giàn khoan hoặc giàn khai thác của Trung Quốc ở Biển Đông luôn được dư luận người Việt quan tâm, như thường lệ.
II. Mỹ - Trung
1. Trung Quốc trừng phạt các quan chức chính quyền Trump
Vài phút sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên thệ nhậm chức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo trừng phạt 28 quan chức Mỹ phục vụ trong chính quyền Tổng thống Donald Trump vì “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Trung Quốc”.
Danh sách bao gồm cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, hai cựu cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien và John Bolton, cựu Cố vấn thương mại quốc gia Peter Navarro, cựu Bộ trưởng Y tế Alex Azar cùng các cựu quan chức phụ trách hoặc liên quan Trung Quốc như Matt Pottinger, David Stiwell, Keith Krach, Kelly Craft và cả cựu chiến lược gia trưởng Steve Bannon. 18 người khác chưa được nêu tên.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, những người bị trừng phạt cùng người thân trong gia đình họ sẽ bị cấm đi đến đại lục, Hồng Kông và Ma Cao. Họ và các công ty, tổ chức liên kết với họ cũng sẽ bị hạn chế giao dịch với Trung Quốc.
Có vẻ như Bắc Kinh xem đây là hành động trả đũa có đi có lại sau quãng thời gian dài chịu đựng những lệnh trừng phạt liên tiếp của chính quyền Trump, đặc biệt vào những tuần lễ cuối.
Mục đích có thể nhằm giải tỏa cơn bức xúc của những thành phần dân tộc chủ nghĩa trong nước khi chứng kiến chính quyền có vẻ cam chịu trước những đợt tấn công dồn dập từ chính quyền Trump.
Một tác động phụ khác mà Bắc Kinh mong muốn có thể là nhằm cảnh báo các quan chức phụ trách Trung Quốc trong chính quyền Biden phải cân nhắc về tương lai của mình khi theo đuổi các chính sách bị Bắc Kinh xem là “diều hâu”.
Ngoài ra, công bố lệnh trừng phạt chỉ vài phút sau khi ông Biden nhậm chức cũng có thể xem là đòn nắn gân, thăm dò cách phản ứng của chính quyền mới ở Mỹ. Tuy nhiên, có vẻ như Bắc Kinh đã không xem trọng sự đồng thuận lưỡng đảng ở Mỹ về Trung Quốc khi tiến hành động thái này.
Một phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ của chính quyền Biden đã chỉ trích các lệnh trừng phạt là “phản tác dụng và bất chấp đạo lý”. Quan chức này cũng thúc giục người Mỹ ở hai đảng hãy lên án động thái này của Bắc Kinh.
2. Nhận diện đối sách Trung Quốc của chính quyền Biden
Trong cuộc điều trần trước Thượng viện ngày 19.1, ông Anthony Blinken, người được đề cử vào chức vụ ngoại trưởng trong chính quyền Biden, thừa nhận Tổng thống Donald Trump đã đúng khi có cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc, dù ông không đồng ý với tất cả phương pháp của Trump, theo Reuters.
Ông Blinken cũng tán đồng động thái cuối cùng về Trung Quốc của người tiền nhiệm Mike Pompeo là liệt những hành động của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương vào hàng “diệt chủng”.
Với sự nhìn nhận của Blinken và sự trở lại của Kurt Campbell, kiến trúc sư của chiến lược “chuyển trục” trước đây, trong vai trò Điều phối viên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và sự đồng thuận lưỡng đảng mạnh mẽ về Trung Quốc, có thể cho rằng cách tiếp cận về Trung Quốc sẽ không có thay đổi lớn, ít nhất trong tương lai gần.
Điểm gây lo ngại hiện nay nằm ở vai trò của cựu Ngoại trưởng John Kerry, người sẽ đảm nhiệm vị trí mới được thiết lập là Đặc phái viên về biến đổi khí hậu. Một cương vị với quá nhiều quyền hạn can thiệp dành cho Kerry có nguy cơ sẽ thọc gậy bánh xe việc hoạch định đối sách với Trung Quốc của đội ngũ bên phía ông Blinken và Lầu Năm Góc.
Sự ưu tiên quá nhiều về biến đối khí hậu trong quan hệ với Trung Quốc cũng có nguy cơ đẩy chiến lược về Trung Quốc đi chệch hướng. Nếu không giới hạn rõ vị trí và vai trò của Kerry, một cuộc đối đầu giữa ông và thuộc cấp cũ Blinken có nguy cơ nảy sinh.
Trong khi đó, bài viết “How America Can Shore Up Asian Order” trên tờ Foreign Affairs mới đây của Kurt Campbell cùng với chuyên gia Rush Doshi cũng cung cấp những manh mối về phương hướng mà những quan chức phụ trách Đông Á đề ra, đặc biệt về phần xây dựng các liên minh khác nhau.
“Các nhà lãnh đạo châu Âu xa xôi chắc chắn ít lo ngại về tính quyết liệt của Trung Quốc hơn các quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương ở sát bên. Theo đó, thách thức chính mà Hoa Kỳ phải đối mặt là làm cầu nối giữa các cách tiếp cận của châu Âu và của khu vực đối với các thách thức Trung Quốc. Nhiệm vụ đó càng trở nên khó khăn hơn bởi sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh: Tháng trước, Trung Quốc đã sử dụng các nhượng bộ vào phút chót để lôi kéo thành công EU vào một thỏa thuận đầu tư song phương lớn bất chấp lo ngại rằng thỏa thuận này sẽ làm phức tạp cách tiếp cận thống nhất xuyên Đại Tây Dương dưới thời chính quyền Biden.
Với những hạn chế này, Hoa Kỳ sẽ cần phải linh hoạt và đổi mới khi xây dựng quan hệ đối tác. Thay vì thành lập một đại liên minh tập trung vào mọi vấn đề, Hoa Kỳ nên theo đuổi các tổ chức "đo ni đóng giày" hoặc chuyên biệt tập trung vào các vấn đề riêng lẻ, chẳng hạn như D-10 do Vương quốc Anh đề xuất (các nền dân chủ G-7 cộng với Úc, Ấn Độ và Hàn Quốc). Đây sẽ là những liên minh cấp bách nhất đối với các vấn đề về thương mại, công nghệ, chuỗi cung ứng và tiêu chuẩn.
Các liên minh khác có thể tập trung vào răn đe quân sự bằng cách mở rộng cái gọi là Bộ tứ kim cương hiện bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ; đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua hợp tác với Nhật Bản và Ấn Độ; và nhân quyền thông qua hai chục quốc gia đã chỉ trích các trại cải tạo của Bắc Kinh ở Tân Cương và cuộc tấn công vào quyền tự trị của Hồng Kông.
Mục đích của các liên minh khác nhau này — và chiến lược rộng lớn hơn này — là tạo ra sự cân bằng trong một số trường hợp, tăng cường sự đồng thuận về các khía cạnh quan trọng của trật tự khu vực ở các trường hợp khác và gửi thông điệp rằng có những rủi ro đối với đường lối hiện tại của Trung Quốc. Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ thách thức nhất trong lịch sử gần đây của nghệ thuật quản trị nhà nước Mỹ”.
Đối sách này có vẻ khá giống với những gì tôi từng mường tượng và viết trong một newsletter vào tháng 7, sau khi ông Pompeo có bài phát biểu “Trung Cộng và tương lai của thế giới tự do”.
"Không phải mọi quốc gia sẽ tiếp cận Trung Quốc theo cùng một cách, họ cũng không nên như thế". Câu này thể hiện Mỹ không áp đặt các quốc gia khác phải chống Trung Quốc theo cùng một cách giống Mỹ, và nó cũng gợi lên cho tôi rằng sẽ không chỉ có MỘT liên minh. Vì xây dựng một liên minh chung chí hướng cố kết về mọi phương diện như thế là điều dường như bất khả.
Trong mường tượng của tôi, Mỹ sẽ xây dựng một tập hợp các liên minh chung chí hướng khác nhau trong cuộc đối đầu này với Trung Quốc. Trong đó, Mỹ sẽ đóng vai trò nhạc trưởng và điều phối.
Một cách thực tế, sẽ có các câu lạc bộ chống Trung Quốc về Biển Đông, câu lạc bộ chống Trung Quốc về công nghệ, câu lạc bộ chống Trung Quốc về kinh tế, thương mại, câu lạc bộ chống Trung Quốc về quân sự (QUAD?), câu lạc bộ chống Trung Quốc về dân chủ và nhân quyền... hay thậm chí cái bắt tay giữa Mỹ và Nga để gò Trung Quốc vào các hiệp ước vũ khí hạt nhân.
Cũng không nhất thiết một quốc gia tham gia liên minh chống Trung Quốc này phải tham gia liên minh chống Trung Quốc về vấn đề khác. Đó là thực tế! Và đương nhiên, một quốc gia cũng có thể là thành viên của nhiều câu lạc bộ khác nhau.
Đây không phải là một cuộc Chiến tranh Lạnh 1.0 khi giới tuyến giữa hai phe được vạch rõ ràng và nếu chịu khó quan sát chúng ta có thể thấy những cuộc tập hợp lực lượng đang manh nha hoặc đã hình thành, chẳng hạn về Biển Đông, về chống Huawei, về Hồng Kông…”.
Thân mến!
Duân
Cám ơn anh!
Dự luật có được thông qua chưa ạ