Chào các bạn,
Xin được bắt đầu bằng cách giới thiệu hai sự kiện đáng chú ý cho những ai bỏ lỡ:
ALERT 24.7: Trung Quốc bắn đạn thật quy mô lớn trong 9 ngày ở vịnh Bắc Bộ
Bài phát biểu gây xôn xao của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về Trung Quốc
I. BIỂN ĐÔNG
1. Vùng cấm bay
Xin nhắc cho các bạn rằng hôm nay 25.7 sẽ có chuyện gì đó xảy ra trong vùng biển Việt Nam, cách đảo Lý Sơn khoảng 76 hải lý, liên quan đến việc Trung Quốc lập vùng cấm bay.
Lúc các bạn đọc Newsletter này thì NOTAM do Trung Quốc ban hành đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ hoạt động của Trung Quốc là gì.
2. Tàu Hướng Dương Hồng 14 vào vùng biển Việt Nam
Sáng nay 25.7, tàu nghiên cứu Hướng Dương Hồng 14 của Trung Quốc bất ngờ xuất hiện trong vùng biển Việt Nam, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 140 hải lý về phía đông đông bắc.
Tàu di chuyển với vận tốc khoảng 2,1 hải lý/giờ, nên dường như không phải chỉ đơn thuần là qua lại ở vùng biển này.
Trong khi đó, tàu Hải Dương Địa Chất 4 đã xuống sát Đá Chữ Thập và tàu Hải Dương Địa Chất 12 đã đến khu vực hoạt động trước đó của Hải Dương Địa Chất 4.
3. Úc gửi công hàm lên LHQ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Trong một động thái đáng được chào đón, Úc đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ các yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông. (XEM TOÀN VĂN CÔNG HÀM).
Công hàm được gửi ngày 23.7 và được đăng tải trên website của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc tối 24.7.
Như vậy, Úc đã trở thành quốc gia ngoài khu vực thứ hai sau Mỹ thẳng thừng bác bỏ các yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc.
Nhìn danh sách các quốc gia tham gia gửi công hàm có thể thấy sự phân chia rõ ràng: Trung Quốc đối đầu với phần còn lại.
Xin trích dẫn lại nhận định của tôi vào đầu tháng 6, sau khi Mỹ gửi công thư lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trong Newsletter ngày 3.6.
Đây cũng là lần đầu tiên một nước ngoài khu vực gia nhập vào cuộc chiến công hàm giữa các nước giáp Biển Đông bấy lâu nay.
Chúng ta hãy chờ xem các nước khác, đặc biệt là các nước còn lại trong "Bộ tứ kim cương" như Nhật Bản, Úc và Ấn Độ có nối bước hay không?
Trước đây thì có thể họ còn dè dặt nhưng trong tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước đó cũng đang leo thang thì cũng không loại trừ.
Úc có vẻ như là quốc gia đồng minh của Mỹ thể hiện sự dịch chuyển rõ ràng nhất về thái độ đối với Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Và trong tuần tới, Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds sẽ thân chinh đến Washington để tham dự cuộc tham vấn cấp bộ trưởng giữa hai nước vốn được mô tả là "một trong những cuộc tham vấn quan trọng nhất trong nhiều thập niên". (LINK)
Để có thể tham dự cuộc họp mặt đối mặt này các quan chức Úc phải chấp nhận bị cách ly 14 ngày khi về nước.
II. MỸ - TRUNG
Những biến chuyển ngày càng xấu đi trong quan hệ Mỹ - Trung đang ập đến một cách dồn dập khiến người ta cảm thấy hụt hơi khi nỗ lực đứng sang một bên dòng thời sự để có cái nhìn sâu sắc hơn.
Tuy nhiên, hãy thử nhận định về lời kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về việc hình thành các liên minh chống Trung Quốc.
Tôi xin trích một số đoạn đáng chú ý liên quan đến vấn đề này:
Đến lúc rồi! Thật tuyệt vời khi có mặt ở đây hôm nay. Đây là thời điểm hoàn hảo. Đây là thời điểm để các quốc gia tự do hành động. Không phải mọi quốc gia sẽ tiếp cận Trung Quốc theo cùng một cách, họ cũng không nên như thế.
Mỗi quốc gia sẽ phải tự đi đến hiểu biết của riêng họ về cách bảo vệ chủ quyền của chính mình, cách bảo vệ sự thịnh vượng kinh tế của chính mình và làm thế nào để bảo vệ lý tưởng của mình khỏi những xúc tu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhưng tôi kêu gọi mọi nhà lãnh đạo của mọi quốc gia hãy bắt đầu bằng cách làm những gì Mỹ đã làm - chỉ đơn giản là khăng khăng đòi có đi có lại, khăng khăng đòi minh bạch và trách nhiệm từ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
...
Thật vậy, đây là những gì nước Mỹ đã làm gần đây khi chúng ta bác bỏ các yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, một lần và mãi mãi, khi chúng ta thúc giục các nước trở thành các Nước Sạch để thông tin cá nhân của công dân không bị rơi vào tay của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
...
Thách thức Trung Quốc đòi hỏi nỗ lực, năng lượng từ các nền dân chủ - những người ở Châu Âu, những người ở Châu Phi, những người ở Nam Mỹ và đặc biệt là những người ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
...
Liên Hiệp Quốc, NATO, các nước G7, G20, sức mạnh kinh tế, ngoại giao và quân sự kết hợp của chúng ta chắc chắn đủ để đối phó thách thức này nếu chúng ta xử trí rõ ràng và với dũng khí lớn.
"Không phải mọi quốc gia sẽ tiếp cận Trung Quốc theo cùng một cách, họ cũng không nên như thế". Câu này thể hiện Mỹ không áp đặt các quốc gia khác phải chống Trung Quốc theo cùng một cách giống Mỹ, và nó cũng gợi lên cho tôi rằng sẽ không chỉ có MỘT liên minh. Vì xây dựng một liên minh chung chí hướng cố kết về mọi phương diện như thế là điều dường như bất khả.
Trong mường tượng của tôi, Mỹ sẽ xây dựng một tập hợp các liên minh chung chí hướng khác nhau trong cuộc đối đầu này với Trung Quốc. Trong đó, Mỹ sẽ đóng vai trò nhạc trưởng và điều phối.
Một cách thực tế, sẽ có các câu lạc bộ chống Trung Quốc về Biển Đông, câu lạc bộ chống Trung Quốc về công nghệ, câu lạc bộ chống Trung Quốc về kinh tế, thương mại, câu lạc bộ chống Trung Quốc về quân sự (QUAD?), câu lạc bộ chống Trung Quốc về dân chủ và nhân quyền... hay thậm chí cái bắt tay giữa Mỹ và Nga để gò Trung Quốc vào các hiệp ước vũ khí hạt nhân.
Cũng không nhất thiết một quốc gia tham gia liên minh chống Trung Quốc này phải tham gia liên minh chống Trung Quốc về vấn đề khác. Đó là thực tế! Và đương nhiên, một quốc gia cũng có thể là thành viên của nhiều câu lạc bộ khác nhau.
Đây không phải là một cuộc Chiến tranh Lạnh 1.0 khi giới tuyến giữa hai phe được vạch rõ ràng và nếu chịu khó quan sát chúng ta có thể thấy những cuộc tập hợp lực lượng đang manh nha hoặc đã hình thành, chẳng hạn về Biển Đông, về chống Huawei, về Hồng Kông...
Tuy nhiên, đó sẽ không phải là chuyện ngày một ngày hai. Trong lúc chờ đợi, hãy tạm điểm qua các tin tức mới về Mỹ - Trung trong hôm nay, hehe.
Thiết tưởng không cần phải nhắc lại tin tức Trung Quốc đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô để trả đũa.
Các quan chức Mỹ họp báo về vụ đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston (LINK).
Giới chức Mỹ tiến vào Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston (LINK)
Mỹ bắt nhà nghiên cứu Trung Quốc ẩn náu trong Tổng lãnh sự quán ở San Francisco (LINK)
Mỹ truy tố công dân Singapore làm gián điệp cho Trung Quốc (CÁO TRẠNG)
Ngoại trưởng Trung Quốc kêu gọi Đức đừng về phe với Mỹ (LINK)
Đại diện thương mại Mỹ - Trung sẽ hội đàm vào tháng 8 về tiến trình của thỏa thuận giai đoạn 1. (LINK)
Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ!
Thân mến,
Duân
Cảm ơn anh
Cám ơn anh. ...