Chào các bạn,
Bản tin hôm nay sẽ tập trung nhiều vào những diễn biến quân sự ở Biển Đông, cũng như cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á.
I. BIỂN ĐÔNG
1. Oanh tạc cơ B-1B của Mỹ bay vào Biển Đông
Sáng nay, 21.7, hai oanh tạc cơ B-1B của Mỹ đã cất cánh từ Guam bay vào Biển Đông qua Biển Sulu ở Philippines.
Đây là 2 trong số 4 chiếc oanh tạc cơ B-1B vừa mới được triển khai đến đảo Guam cách đây vài ngày.
Lúc các bạn nhận được bản tin này thì hai oanh tạc cơ vẫn đang ở Biển Đông. Tuy nhiên, dựa vào hướng di chuyển từ Biển Sulu và các đường bay trước đây của oanh tạc cơ B-1B có thể đoán chúng sẽ bay qua quần đảo Trường Sa trước khi ngược lên phía bắc để trở ra Biển Philippines qua eo Ba Sỹ.
2. Tàu sân bay Mỹ huấn luyện cùng Nhật, Ấn Độ
Sau khi tập trận ở Biển Đông ngày 17.7 như tin đã đưa trong các Newsletter trước, hai tàu sân bay Mỹ USS Nimitz và USS Ronald Reagan đã tách ra và rời Biển Đông theo hai hướng khác nhau.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan, gồm tuần dương hạm USS Antietam và khu trục hạm USS Mustin, đã ra Biển Philippines và diễn tập với khu trục hạm JS Teruzuki của Nhật Bản ngày 20.7, theo Hải quân Mỹ.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy nhóm tác chiến tàu sân bay USS đang ở Biển Bohol sáng 20.7.
Như vậy, nhóm tàu này đã từ Biển Đông vào Biển Sulu trước khi ra Biển Philippines thông qua Biển Bohol.
Theo tôi biết, tàu JS Teruzuki đã di chuyển theo đội hình từ Biển Đông ra Biển Philippines cùng với nhóm tàu Mỹ.
Trong khi đó, nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz, bao gồm tuần dương hạm USs Princeton (CG 59), tuần dương hạm USS Sterett (DDG 104) và USS Ralph Johnson (DDG 114) đã ra Ấn Độ Dương qua eo biển Malaccar.
Ngày 20.7, nhóm tàu này đã diễn tập liên lạc và xếp đội hình với 4 tàu chiến Ấn Độ, theo hai nước.
Tuy nhiên, theo hình ảnh được Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cung cấp sáng nay, cuộc tập trận có cả nội dung bắn đạn thật (hình).
Tuy Ấn Độ và Mỹ không nói cụ thể vị trí, nhưng dựa vào di chuyển của các tàu này ó thể xác định cuộc tập trận diễn ra gần eo biển nằm giữa quần đảo Nicobar của Ấn Độ và Indonesia.
Đây là vị trí chiến lược án ngữ eo biển Malacca. Vì thế, vị trí tập trận nhiều khả năng là một thông điệp gửi đến Trung Quốc.
Nó gợi ra viễn cảnh Ấn Độ cùng Mỹ phối hợp phong tỏa lối đường ra vào Ấn Độ Dương của Trung Quốc qua eo biển Malacca.
3. Tàu sân bay Liêu Ninh ra khơi
Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 20.7 cho thấy tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh đã ra biển cùng với tàu tiếp tế tổng hợp Hô Luân Hồ (Type 901).
Vị trí của tàu Liêu Ninh khá sát với quân cảng ở Thanh Đảo và có hướng di chuyển về phía nam.
Tuy nhiên, theo thông tin mà tôi có được, tàu Liêu Ninh đã rời cảng muộn nhất từ ngày 17.7.
Như vậy, có thể tàu này đã huấn luyện được vài ngày và đang trên đường trở về cảng hoặc chuẩn bị ráp đội hình để di chuyển xuống phía nam.
Theo truyền thông Nhật Bản trước đây, Trung Quốc có kế hoạch tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông trong tháng 8, có khả năng với sự tham gia của tàu sân bay.
Nếu xuống Biển Đông, tàu Liêu Ninh có thể băng qua eo biển Đài Loan hoặc băng qua eo Miyako ở Nhật để ra Biển Philippines trước khi vào Biển Đông qua eo Ba Sĩ.
Tôi sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật chuyển động của tàu Liêu Ninh trong thời gian tới!
4. Trung Quốc xác nhận chiến đấu cơ tập trận ở Biển Đông
Tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 20.7 dẫn thông tin từ Đài phát thanh Trung Quốc cho biết một lữ đoàn không quân của hải quân thuộc Chiến khu nam bộ của nước này đóng ở Hải Nam đã tiến hành tập trận tấn công mục tiêu biển bằng đạn thật trong hai ngày 15 và 16.7. (LINK)
Cuộc tập trận này có sự tham gia của tiêm kích bom JH-7. Thông tin này phù hợp với những hình ảnh vệ tinh được thu thập vào các ngày 15 và 17.7 cho thấy sự hiện diện của ít nhất 4 tiêm kích J-11B và 4 tiêm kích bom JH-7 đến đảo Phú Lâm mà tôi đã đưa trong Newsletter ngày 18.7, và cũng đúng như những gì tôi đã nhận định khi đó.
Theo những gì tôi biết, Trung Quốc thường triển khai khoảng 4 chiến đấu cơ ở Hoàng Sa để ứng phó các tình huống như tàu chiến Mỹ áp sát thực thi chiến dịch tự do hàng hải.
Thế nhưng, mỗi lần có 4 chiến đấu cơ xuất hiện cùng lúc ngoài bãi đỗ thường là chiến đấu cơ mới được triển khai từ đại lục để phục vụ cho một tình huống cụ thể nào đó, chẳng tập trận hoặc đối phó tình hình mới.
5. Tình hình tàu khảo sát Trung Quốc
Lại có thêm tàu Hải Dương Địa Chất 18 (Hai Yang Di Zhi 18) di chuyển xuống khu vực đông nam quần đảo Hoàng Sa trong hôm qua.
Hải Dương Địa Chất 18 trước có tên là Phấn Đấu 5 (Fen Dou Wu Hao), vừa được đổi tên vào tháng 5. (Có thể xem thêm về việc Trung Quốc đổi tên một số tàu khảo sát và nghiên cứu trong Newsletter ngày 26.6).
Trong khi đó, tàu Hải Dương Địa Chất 4 trong hôm qua cũng đã di chuyển xuống phía nam.
Còn tàu Thẩm Quát (Shen Kuo) sau vài ngày neo ở Đá Chữ Thập hôm qua cũng đã di chuyển theo hướng đông nam di ngang qua Đá Tốc Tan và hướng về eo Balabac.
Tàu Hải cảnh 5402 sáng nay lại tiếp tục từ phía nam Tư Chính lượn vào lô dầu khí 6.1.
Hãng Reuters hôm qua có bài long-form về việc xây dựng lực lượng đổ bộ của Trung Quốc, với tham vọng sở hữu một lực lượng tương tự Thủy quân lục chiến của Mỹ. Nòng cốt trong đó là các tàu đổ bộ tấn công Type 075. (LINK)
II. MỸ - TRUNG KHẨU CHIẾN Ở ĐÔNG NAM Á
Có nhiều cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Trung Quốc trong những ngày này. Sôi động nhất là cuộc khẩu chiến đang diễn ra ở Đông Nam Á, sau khi Mỹ công bố lập trường mới về Biển Đông.
Lần lượt đại sứ hoặc đại biện lâm thời của Mỹ đều lên tiếng về lập trường này cũng như chỉ trích Trung Quốc trên các bài bình luận đăng trên báo chí địa phương, sau đó đăng lại trên website của Đại sứ quán, hoặc trả lời phỏng vấn.
Lập tức, đại sứ hoặc đại diện Trung Quốc ở các nước này cũng đăng đàn phản ứng.
1. VIỆT NAM
Ở Việt Nam, Đại sứ Mỹ Daniel J.Kritenbrink có bài viết đáng chú ý đăng trên Báo Thanh Niên ngày 20.7 (LINK).
"Điều này bao gồm cả sự bác bỏ rõ ràng yêu sách của Trung Quốc đối với bãi Tư Chính, nơi Bắc Kinh đã tiến hành một chiến dịch cưỡng bức và quấy rối hoạt động dầu khí lâu nay của Việt Nam. Như Ngoại trưởng Pompeo đã nêu, chúng tôi coi sự bắt nạt này không chỉ mang tính khiêu khích và gây bất ổn, mà còn là bất hợp pháp”.
…
Những tuyên bố của Mỹ cũng là minh chứng cho sức mạnh của mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ. Khi hai nước kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ, lập trường của Mỹ về Biển Đông cho thấy Mỹ sát cánh với Việt Nam để bảo vệ quyền chủ quyền và lợi ích của các bạn nhất quán với luật pháp quốc tế - bao gồm cả quyền đối với các nguồn dầu khí ngoài khơi, và quyền đánh bắt cá, là những điều sống còn cho sự thịnh vượng kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á. Mỹ sát cánh với Việt Nam để bác bỏ sự áp đặt tư duy “chân lý thuộc về kẻ mạnh” tại Biển Đông.
Theo như những gì xảy ra tại các nước Đông Nam Á khác, thì đại diện của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ đăng đàn phản ứng.
Tuy nhiên, tôi không nghĩ các cơ quan báo chí ở Việt Nam sẵn lòng đăng tải khơi khơi những phát biểu, luận điệu của phía Trung Quốc, nếu chỉ dưới hình thức bài viết hoặc phỏng vấn.
Rút kinh nghiệm trước phản ứng từ bài viết của Tổng biên tập Hoàn Cầu thời báo Hồ Tích Tiến được đăng trên trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc cách đây vài ngày, có lẽ họ cũng sẽ không chọn đưa ra phản ứng trên kênh mạng xã hội. Có lẽ sẽ chỉ là một bài viết đăng trên website của Đại sứ quán, hehe.
Hiện cuộc khẩu chiến này đã diễn ra ở các nước Đông Nam Á khác như Philippines, Thái Lan và Myanmar.
2. PHILIPINES
Mỹ:
The Philippines’ future floats in the West Philippine Sea (Manila Bulletin, 15.7)
The Philippines’ future floats in the West Philippine Sea (US Embassy, 16.7)
Trung Quốc:
Chinese Ambassador Huang Xilian: An exclusive Manila Times interview (Manila Times, 17.7)
Full text: Written interview with Manlila Times by H.E.Amb. Huang Xilian (Chinese Embassy, 20.7)
3. THÁI LAN:
Mỹ:
Beijing ambition in South China Sea shows its disregard for int'l laws (Khaosod, 14.7)
Upholding the Sovereign Rights of All (US Embassy, 14.7)
Trung Quốc:
Clearing the waters (Bangkok Post, 16.7)
4. MYANMAR:
Mỹ:
How the Erosion of Sovereignty Elsewhere Impacts Myanmar at Home (The Irrawaddy, 18.7)
How the Erosion of Sovereignty Elsewhere Impacts Myanmar at Home (US Embassy, 18.7)
Trung Quốc:
Vài nhận định:
Việc các đại diện ngoại giao Mỹ ở khu vực đồng loạt đăng đàn gợi ý về một chỉ thị thống nhất từ Bộ Ngoại giao Mỹ triển khai chiến dịch quảng bá lập trường mới về Biển Đông và chỉ trích Trung Quốc, tùy vào hoàn cảnh, tương quan mối quan hệ với Trung Quốc ở mỗi nước.
Một cuộc chiến giành giật “con tim và lý trí” (hearts and minds) của người dân trong khu vực trong bối cảnh cuộc đối đầu lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra gay gắt. Trong cuộc chiến này, có vẻ như Trung Quốc đang thất thế. Hẳn nhiên rồi!
Đây cũng là những biểu hiện cho thấy sự phân rẽ mang hình bóng Chiến tranh Lạnh đang đến gần, và các nước ở Đông Nam Á đang đứng trước ngưỡng của việc phải chọn phe.
Mỹ và Trung Quốc đang tung toàn lực tổng tấn công trên mặt trận dư luận để lôi kéo đồng minh và đối tác, hoặc ít nhất không để mục tiêu gia nhập phía đối phương, trước khi cục diện phe cánh Chiến tranh Lạnh hình thành và ranh giới được phân định.
III. CÁC TIN TỨC KHÁC
Trung Quốc cân nhắc trừng phạt Nokia và Ericsson bằng cách ngăn chặn việc xuất khẩu sản phẩm sản xuất ở Trung Quốc của những hãng này nếu EU nối bước Anh, Mỹ loại Huawei khỏi cuộc chơi 5G. (LINK)
Mỹ bổ sung 11 công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì liên hệ đến vi phạm nhân quyền diễn ra ở Tân Cương. (LINK)
Vương quốc Anh đình chỉ ngay lập tức và vô hạn định hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông, và sẽ áp dụng lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với đặc khu này, như từng áp dụng với Trung Quốc sau vụ Thiên An Môn. (LINK)
Thỉnh nguyện thư trừng phạt Trung Quốc vì Tân Cương ở Anh vượt qua cột mốc 100.000 chữ ký. Nghị viện Anh sẽ phải đưa vấn đề này ra tranh luận sau khi thỉnh nguyện thư vượt qua cột mốc này. (LINK)
Đó là tất cả cho hôm nay! Nhưng đừng lo, nếu có chuyện gì khẩn cấp, tôi vẫn sẽ gửi mail báo cho các bạn, như thường lệ!
Thân mến,
Duân
Cảm ơn anh
Cảm ơn anh!