Chào các bạn,
Hiện có nhiều thông tin, hình ảnh liên quan đến việc Trung Quốc triển khai số lượng lớn chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa giữa lúc căng thẳng leo thang ở Biển Đông.
Sáng nay, hãng RFA đăng hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao cho thấy có 8 chiến đấu cơ xuất hiện trên bãi đỗ ở đảo Phú Lâm ngày 17.7. (LINK)
(Ảnh: RFA)
Đây là lần đầu tiên có số lượng lớn chiến đấu cơ Trung Quốc được quan sát thấy ở đảo Phú Lâm.
Vào tối qua, tờ Forbes qua rà soát ảnh vệ tinh ngày 15.7 cũng xác nhận thông tin tôi đã đưa trong Newsletter ngày 17.7 rằng có 4 chiến đấu cơ Trung Quốc được triển khai đến Hoàng Sa. (LINK)
(Ảnh: Forbes)
Fobres nhận định 4 chiến đấu cơ ngày 15.7 có thể là tiêm kích J-11B. Trong khi đó, RFA cho rằng có 4 chiếc J-11B và 4 chiếc còn lại trông giống tiêm kích bom JH-7.
Như tôi đã viết trong Newsletter ngày 17.7, trong hai năm qua có hai lần số lượng 4 chiến đấu cơ được nhìn thấy ở Phú Lâm.
Lần gần nhất một loạt 4 chiến đấu cơ cùng được nhìn thấy ở Đảo Phú Lâm là vào ngày 19.6.2019. (LINK)
Ngày 5.7.2018, cũng có 4 chiến đấu cơ được nhìn thấy ở Đảo Phú Lâm.
Tuy nhiên, chưa bao giờ có đến 8 chiến đấu cơ được nhìn thấy ở đó.
Theo những gì tôi biết, Trung Quốc thường triển khai khoảng 4 chiến đấu cơ ở Hoàng Sa để ứng phó các tình huống như tàu chiến Mỹ áp sát thực thi chiến dịch tự do hàng hải.
Thế nhưng, mỗi lần có 4 chiến đấu cơ xuất hiện cùng lúc ngoài bãi đỗ thường là chiến đấu cơ mới được triển khai từ đại lục để phục vụ cho một tình huống cụ thể nào đó, chẳng tập trận hoặc đối phó tình hình mới.
Lưu ý, có 4 hoặc 8 chiếc được nhìn thấy không có nghĩa là ở đó chỉ có 4 hoặc 8 chiếc. Mà nếu xét đến cả hangar hoặc những thời điểm vệ tinh không chụp được, số lượng thực tế được triển khai có thể còn cao hơn.
Trong ba năm nay, số lượng 4 chiến đấu cơ thường chỉ được nhìn thấy vào tháng 6 hoặc tháng 7 mỗi năm, gợi ý về hoạt động tập trận thường niên.
Thế nhưng năm nay, số lượng tăng lên đến 8 chiếc, gợi ý về hoạt động tập trận quy mô hơn hoặc đảo Phú Lâm vừa được tăng cường triển khai số lượng chiến đấu cơ thường trực.
Liệu đây có phải là tín hiệu Trung Quốc chuẩn bị tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ), ít nhất ở khu vực phía bắc Biển Đông bao trùm Hoàng Sa hay không?
Chúng ta cần phải chờ xem! Nhưng có một điều chắc chắn là trong những ngày tới số lượng phi vụ của chiến đấu cơ Trung Quốc ở khu vực Hoàng Sa hoặc xa hơn nữa sẽ tăng cao.
Động thái mới của Trung Quốc diễn ra giữa lúc hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz cùng quay trở lại Biển Đông để tiến hành tập trận từ ngày 17.7.
Như vậy, tình hình Biển Đông những ngày tới có thể sẽ trở nên hết sức căng thẳng.
Liên quan đến hoạt động của các tàu khảo sát, nghiên cứu Trung Quốc ở Biển Đông, tàu Hải Dương Địa Chất 4 hôm nay đã di chuyển ngược lên phía bắc, đến phía nam quần đảo Hoàng Sa.
Hiện chỉ trong một khu vực nhỏ ở phía nam Hoàng Sa đã có đến 3 tàu nghiên cứu là Hải Dương Địa Chất 4, tàu Thám Tác 1 (Tan Suo Yi Hao) và tàu Thám Tác 2 (Tan Suo Er Hao).
Điều này càng củng cố thêm nhận định của tôi rằng các tàu Trung Quốc đang lần theo dấu tàu ngầm ở khu vực này, chứ không phải hoạt động khảo sát đơn thuần.
Tôi sẽ tiếp tục cập nhật những diễn biến mới thông qua Newsletter này! Chúc các bạn cuối tuần nhiều niềm vui!
Thân mến,
Duân
Cám ơn anh. Ngày càng nóng lên anh ạ!
Cảm ơn anh,chúc Anh nhiều sức khỏe.Luôn chờ đợi những tin tức từ Anh.