Chào các bạn,
Bản tin hôm nay sẽ bao gồm một số thông tin đáng chú ý về hoạt động tập trận cấp tập của Trung Quốc, sự xuất hiện của một đội tàu đáng ngờ ở gần Bãi Tư Chính, và bài viết đáng chú ý của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper.
I. BIỂN ĐÔNG
Như mọi người đã biết, trong tuần này Trung Quốc tiến hành nhiều cuộc tập trận ở ba vùng biển: Biển Đông, Hoàng Hải và gần eo biển Bột Hải. Tại Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc cũng có một cuộc tập trận được tổ chức nhưng ở phạm vi nhỏ hơn.
Đây là đợt tập trận dồn dập hiếm hoi của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Đặc biệt, tại Biển Đông có hai cuộc tập trận diễn ra đồng thời: một ở đông nam Hải Nam bao trùm một phần quần đảo Hoàng Sa và một ở nam Quảng Đông, đều từ ngày 24-29.8.
Ngoài thời gian và địa điểm, chủ yếu dựa theo thông báo của các cục hải sự cấp tỉnh của Trung Quốc, Bắc Kinh không tiết lộ chi tiết nào khác về các cuộc tập trận này.
Hãng RFA đưa tin vài ngày trước khi tiến hành cuộc tập trận, nhiều máy bay quân sự và cả chiến đấu cơ được nhìn thấy xuất hiện ở đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa. (LINK)
Tại Hoàng Hải, ảnh vệ tinh các ngày 23 và 24.8 cho thấy tàu sân bay Liêu Ninh cùng nhiều tàu quân sự khác xuất hiện tại khu vực tập trận.
Trước đó, tàu Liêu Ninh đã đến Bội Hải huấn luyện trước khi quay trở về khu vực tập trận ở gần Thanh Đảo.
Trong khi đó, dường như không có nhiều tàu chiến Mỹ có mặt ở Biển Đông trong thời gian này. Không kể khu trục hạm USS Mustin có thể đang ở Biển Đông sau khi băng qua eo biển Đài Loan vào tuần trước, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan hiện cập cảng ở đảo Guam trong khi nhóm đổ bộ tấn công USS America cũng ghé Okinawa cách đây hai ngày.
Thời tiết xấu, nhiều mây mù không cho phép quan sát hoạt động của tàu bè Trung Quốc tại các khu vực tập trận ở Biển Đông những ngày này.
Tuy nhiên, theo thông tin mà tôi có được, hiện có rất nhiều tàu quân sự Trung Quốc xuất hiện ở phía bắc Biển Đông và cả ở Trường Sa lúc này.
2. Đội tàu ma của Trung Quốc
Theo dữ liệu của trang Vessel Finder, tại khu vực phía nam Bãi Tư Chính vào sáng nay xuất hiện một nhóm tàu cá Trung Quốc gần nơi tàu hải cảnh 5204 vẫn thường bám trụ.
Đội tàu Fu Yuan Yu này gồm tàu mẹ (fish carrier) Fu Yuan Yu Leng 009 và 3 tàu đánh bắt Fu Yuan Yu 082, Fu Yuan Yu 0082 và Fu Yuan Yu 080.
Cái tên Fu Yuan Yu này rất khét tiếng vì đây là đội tàu cá từng là mục tiêu săn đuổi của các nhóm chống đánh bắt trái phép trên thế giới. (LINK)
Chúng được mệnh danh là "đội tàu ma" vì thường xuyên tắt tín hiệu AIS hoặc làm giả tín hiệu đang xuất hiện ở một vị trí khác trong nỗ lực tránh bị các cơ quan chức năng săn lùng.
Năm 2017, một tàu khác của đội tàu này là Fu Yuan Yu Leng 999 đã bị Ecuador bắt giữ ở quần đảo Galapagos. (LINK)
Tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép được nhắc đến nhiều sau khi Ecuador lên tiếng báo động về vấn nạn này trong thời gian gần đây. (LINK)
Vì thói quen làm giả tín hiệu AIS của đội tàu Fu Yuan Yu này, việc Vessel Finder ghi nhận tín hiệu của chúng ở phía nam Tư Chính không đồng nghĩa với việc chúng có mặt tại đây trên thực tế.
Tuy nhiên, việc chúng "xuất hiện" ở đây cũng là diễn biến đáng theo dõi. Đặc biệt hơn nữa vì chúng xuất hiện khá gần tàu hải cảnh 5204, chẳng hạn như tàu mẹ Fu Yuan Yu Leng 009 ở cách tàu 5204 chỉ 1 hải lý vào sáng nay.
3. Các thông tin khác
Đài Loan cân nhắc triển khai F-16 đến Bành Hồ (LINK)
Chuyên gia: Để đánh bại Trung Quốc trong chiến tranh, hãy bóp nghẹt nền kinh tế của họ (LINK)
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines bác bỏ đường lưỡi bò Trung Quốc (LINK)
Đại diện Trung Quốc Đoàn Khiết Long trúng cử thẩm phán Tòa quốc tế về luật Biển (LINK)
Có thể đọc thêm về vấn đề này trong bài viết của Báo Thanh Niên: Khi đại diện Trung Quốc trúng cử thẩm phán Tòa luật Biển quốc tế (LINK)
II. MỸ - TRUNG
1. Bài viết đáng chú ý của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Trên tờ The Wall Street Journal vào sáng nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper có bài viết đáng chú ý: "Lầu Năm Góc sẵn sàng với Trung Quốc". (LINK)
Trong đó, vạch ra chiến lược của Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm đối phó với Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Đáng chú ý là cũng như Ngoại trưởng Mike Pompeo thường xuyên tách bạch Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc, ông Esper đặc biệt nhấn mạnh PLA chỉ là công cụ của đảng này.
Chiến lược được ông Esper vạch ra trong bài viết tập trung vào 3 bước:
- Xây dựng lực lượng đủ khả năng cạnh tranh, răn đe và chiến thắng ở khắp 5 mặt trận: trên không, trên bộ, trên biển, trên không gian và trong không gian mạng.
- Mở rộng và tăng cường mạng lưới đồng minh và đối tác.
- Xây dựng năng lực của các đối tác trên toàn cầu.
"Những sáng kiến này phản ánh cam kết vững chắc của Mỹ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác chống lại sự bắt nạt của Bắc Kinh, ủng hộ chủ quyền của mọi quốc gia và bảo vệ hệ thống quốc tế tự do và mở vốn đã nuôi dưởng hàng thập niên ổn định và thịnh vượng cho hàng tỉ người. Nhưng Hoa Kỳ không thể mang gánh nặng này một mình, và chúng tôi tiếp tục thúc giục các quốc gia chia sẻ nó với chúng tôi một cách công bằng như những đối tác thực sự. Chúng tôi cũng khuyến khích các quốc gia cùng chí hướng thể hiện sự đoàn kết và kỹ lưỡng hơn trong việc đồng bộ hóa chính sách về Trung Quốc để bảo vệ mục tiêu và lợi ích chung".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng thúc giục các nước kiểm tra và xem xét hạn chế mối quan hệ với PLA.
Ngoài ra, ông Esper cũng cho biết ông sẽ đến Haiwaii, Palau và Guam để gặp gỡ trực tiếp và trực tuyến với những người đồng cấp và các lãnh đạo cấp cao trong khu vực để truyền đạt tầm quan trọng của những nỗ lực nói trên.
Theo truyền thông Nhật, ông Esper sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono ở Guam ngày 29.8. (LINK)
Một vấn đề đáng chú ý sẽ được theo dõi tại cuộc gặp giữa ông Esper và Kono là liệu việc triển khai tên lửa Mỹ ở Okinawa có được đưa ra bàn bạc hay không.
2. Tổng thống Trump công bố nghị trình nhiệm kỳ 2
Ngày 24.8, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đã công bố nghị trình cho nhiệm kỳ hai với khẩu hiệu: Chiến đấu vì các bạn! (Fighting for You!), bao gồm những nét chính về Trung Quốc và đối ngoại:
Chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc:
- Mang 1 triệu công việc sản xuất từ Trung Quốc về nước
- Tín dụng thuế cho các công ty mang việc làm từ Trung Quốc về nước
- Cho phép khấu trừ chi phí 100% đối với các doanh nghiệp thuộc ngành thiết yếu như dược phẩm và robotics đưa sản xuất của họ trở lại nước Mỹ
- Không phê duyệt hợp đồng liên bang cho các công ty outsource ở Trung Quốc
- Buộc Trung Quốc chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc cho phép vi-rút lây lan khắp thế giới
Chính sách đối ngoại nước Mỹ trước hết:
- Chấm dứt các cuộc chiến bất tận và đưa quân nhân về nước
- Yêu cầu đồng minh trả phần công bằng của họ
- Duy trì và mở rộng sức mạnh quân sự vô song của Mỹ
- Xóa sổ những kẻ khủng bố toàn cầu đe dọa làm hại người Mỹ
- Xây dựng Hệ thống Phòng thủ An ninh mạng và Hệ thống Phòng thủ Tên lửa vĩ đại.
3. Mỹ - Trung điện đàm về thương mại
Sau một thời gian trì hoãn, cuộc họp giữa các đại diện thương mại Mỹ và Trung Quốc nhằm rà soát việc thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã diễn ra ngày 24.8 dưới hình thức điện đàm. (LINK)
Thông báo được cả hai phía đưa ra cho thấy cuộc điện đàm diễn ra một cách tích cực và chưa có dấu hiệu cho thấy thỏa thuận sẽ bị hủy bỏ.
Diễn biến này lại một lần nữa cho thấy thương mại dường như là vấn đề duy nhất mà hai bên có thể nói chuyện được với nhau hiện nay.
Thân mến,
Duân
Thanks a
Xin cám ơn anh nhiều nhé.