Chào các bạn,
Hãy bắt đầu bằng một chút tin tốt lành trong những ngày ảm đạm! Xin được vui mừng chia sẻ với các bạn rằng newsletter của tôi vừa được trao giải khuyến khích (honorary mention) trong chương trình Substack Fellowship for Independent Writers của nền tảng Substack.
Đây là một sự khích lệ rất lớn đối với tôi! Nhân đây, cũng xin cảm ơn các bạn vì chính sự quan tâm, tin cậy và tương tác của các bạn là yếu tố quan trọng giúp newsletter tôi có được vinh dự này!
I. BỘ TỨ KIM CƯƠNG
1. Mỹ - Úc
Cuộc tham vấn cấp bộ trưởng giữa hai đồng minh Mỹ và Úc (AUSMIN) được chờ đợi đã kết thúc vào rạng sáng nay, với Tuyên bố chung và cuộc họp báo chung giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hai nước. (LINK)
Trong tuyên bố chung, Mỹ và Úc đã ca ngợi vai trò của Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống đại dịch Covid-19:
"Họ tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ với ASEAN, kiến trúc khu vực do ASEAN dẫn đầu và Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và ca ngợi Việt Nam, với tư cách chủ tịch đương nhiệm của ASEAN, về vai trò lãnh đạo ASEAN trong cuộc chiến đấu chống lại đại dịch Civod-19".
Ngoại trừ việc Úc vẫn còn dè dặt trước lời kêu gọi tham gia chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông, Mỹ và Úc gần như đồng thuận về mọi vấn đề quan tâm chung mà nổi bật nhất là đối phó với một Trung Quốc ngày càng ngang ngược.
Tuyên bố chung nêu về vấn đề Biển Đông, với quan điểm phù hợp với những lập trường minh định gần đây của Mỹ và Úc:
"Các bộ trưởng bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về các hành động cưỡng ép và gây bất ổn gần đây trên khắp Ấn Độ-Thái Bình Dương. Thể theo quyết định năm 2016 của Tòa Trọng tài, họ khẳng định các yêu sách biển của Bắc Kinh không có giá trị theo luật pháp quốc tế.
Cụ thể, họ khẳng định Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không thể khẳng định các yêu sách biển ở Biển Đông dựa trên "đường chín đoạn", "quyền lịch sử", hoặc toàn bộ các nhóm đảo Biển Đông, không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS). Họ lưu ý Phán quyết Trọng tài năm 2016 là quyết định cuối cùng và ràng buộc đối với cả hai bên và nhấn mạnh tất cả yêu sách ở Biển Đông phải được đưa ra và giải quyết theo luật pháp quốc tế.
Họ cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với quyền của các bên yêu sách khai thác hợp pháp các nguồn tài nguyên ngoài khơi, bao gồm các dự án dầu khí có từ lâu cũng như nghề cá ở Biển Đông, không bị quấy rối và cưỡng ép.
Họ hoan nghênh tuyên bố gần đây của các nhà lãnh đạo ASEAN rằng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông phải phù hợp với UNCLOS và nhấn mạnh bất kỳ Bộ quy tắc nào cũng không làm phương hại đến quyền hoặc lợi ích của các quốc gia theo luật quốc tế hoặc làm suy yếu kiến trúc khu vực hiện có và tăng cường cam kết các bên không tham gia vào các hành động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, đáng chú ý là quân sự hóa các thực thể tranh chấp".
Trong khi đó, có vẻ như mường tượng của tôi về một tập hợp nhiều liên minh để đối phó Trung Quốc trong Newsletter ngày 25.7 cũng có chút gì đó gần với thực tế, với bài viết của tờ Nikkei Asian Review: "Mỹ và Úc đề xuất 'mạng lưới các liên minh' để kiềm chế Trung Quốc". (LINK)
"Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các mối quan hệ đối tác hiện có", bà Payne nói trong một cuộc họp báo sau cuộc họp, "như Ngũ Nhãn (Five Eyes), ASEAN, Quad, Đối tác cơ sở hạ tầng ba bên, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á", liệt kê tên một danh sách các liên minh, tập thể và tổ chức đa phương ở châu Á.
Bà cam kết xây dựng "các nhóm mới, gắn kết tình hữu nghị, cải thiện an ninh của chúng tôi thông qua mạng lưới các quốc gia có chung tầm nhìn về một Ấn Độ-Thái Bình Dương cởi mở, thịnh vượng và an toàn".
Liên minh tình báo Ngũ Nhãn bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Úc, Canada và New Zealand.
Đối thoại chiến lược bốn bên, Quad, là một khuôn khổ được hình thành bởi Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Đối tác cơ sở hạ tầng ba bên là một tập hợp các tổ chức tài chính phát triển ở Hoa Kỳ, Nhật và Úc.
Trong diễn biến liên quan, hiện có những bàn luận về việc mở rộng liên minh Ngũ Nhãn để bao gồm Nhật Bản (LINK). Khi đó có lẽ chúng ta sẽ gọi nó là Lục Nhãn?
Ngoài ra, tuyên bố chung giữa Mỹ và Úc cũng bày tỏ sự hậu thuẫn mạnh mẽ đối với Đài Loan trong phạm vi có thể.
Truyền thông Úc và thế giới có vẻ như chú ý nhiều đến sự dè dặt của Úc về FONOP, nhưng cần lưu ý FONOP được nhắc đến ở đây được hiểu là hành động điều tàu chiến đi vào khu vực 12 hải lý quanh các thực thể Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông, chứ không phải là FONOP chung chung.
Úc dè dặt trước việc tiến hành chiến dịch như thế không có gì quá ngạc nhiên. Chúng ta có thể thấy được cách suy nghĩ của Canberra trong hồi ký Đại cục (A Bigger Picture) của cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull:
Trong khi chúng tôi không thừa nhận tính hợp pháp của việc xây đảo này, không giống như Hải quân Hoa Kỳ, các tàu của chúng tôi đã không đi vào phạm vi 12 hải lý của các đảo mới. Xét đoán của tôi là chúng tôi có thể dễ dàng lọt vào tròng Trung Quốc nếu làm vậy.
Hải quân Trung Quốc biết rằng nếu họ xung đột với một tàu Mỹ, nó có nguy cơ leo thang nhanh chóng thành xung đột toàn diện. Nhưng một con tàu Úc là một vấn đề hoàn toàn khác. Nếu một trong những chiếc tàu của chúng tôi bị một tàu Trung Quốc đâm và vô hiệu hóa trong giới hạn 12 hải lý, thì chúng tôi không có khả năng leo thang.
Nếu người Mỹ ủng hộ chúng tôi, thì người Trung Quốc sẽ rút lui. Nhưng nếu Washington do dự hoặc, vì bất kỳ lý do gì, quyết định không hoặc không thể can thiệp ngay lập tức, thì Trung Quốc sẽ đạt được một chiến thắng tuyên truyền to lớn, phơi bày Hoa Kỳ là một con hổ giấy mà các đồng minh không trông cậy được.
Xét đoán của tôi là dựa vào thời tiết địa chính trị biến động vào thời điểm đó, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đó không phải là một rủi ro đáng chấp nhận.
Cách nhìn nhận vấn đều của Úc có lẽ cũng là của nhiều nước liên quan khác, như Nhật, Anh, Ấn Độ...
Tuy nhiên, trong thời gian tới, mọi chuyện có thể thay đổi với việc Mỹ bày tỏ một sự cam kết mạnh mẽ hơn.
Hơn nữa, đây là chuyện chẳng ai tuyên bố trước để trói tay mình nên việc Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds không trả lời trực tiếp vấn đề này âu cũng là điều dễ hiểu.
Hiện nhiều chuyên gia quốc phòng và an ninh Úc cũng kêu gọi Caberra tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào các cuộc tập trận chung ở Biển Đông, cũng như tiến hành FONOP 12 hải lý. (LINK)
2. Ấn Độ
Ấn Độ triển khai lượng lớn tàu ở Ấn Độ Dương để gửi 'thông điệp' rõ ràng đến Trung Quốc (LINK)
Ấn Độ tăng cường khả năng giám sát để đối trọng Trung Quốc (LINK)
Chuyên gia quốc phòng Derek Grossman (RAND Corporation): Quad sẽ sớm trở nên chống Trung Quốc công khai (LINK)
II. BIỂN ĐÔNG
1. Trung Quốc tập trận ở vịnh Bắc Bộ
Liên quan đến cuộc tập trận bắn đạn thật ở khu vực vịnh Bắc Bộ phía tây bán đảo Lôi Châu, hôm qua Trung Quốc tiếp tục mở rộng phạm vi tập trận với thông báo của Cục Hải sự Quảng Tây về khu vực tập trận mới trong ngày 28.7.
Khu vực mà Trung Quốc tiến hành tập trận trong ngày 28.7 có màu xanh lá trong hình dưới đây, xích gần hơn về ranh giới phân định vịnh Bắc Bộ.
2. Tàu nghiên cứu Trung Quốc
Hiện nay, các tàu nghiên cứu Trung Quốc vẫn miệt mài hoạt động tại khu vực phía nam Biển Đông. Trong đó, đáng chú ý là tàu Hải Dương Địa Chất 4 và Hải Dương Địa Chất 12.
Quan sát theo quan sát của tôi những ngày qua, hai tàu này đặc biệt chú ý đến một trục thẳng chạy dọc từ vị trí trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đến phía bắc quần đảo Trường Sa.
Cả hai hiện tập trung khu vực này và chỉ hoạt động theo một trục chạy theo hướng đông nam (hình).
Như tôi từng nhiều lần đề cập trước đây, hoạt động của các tàu này nhiều khả năng không phải là thăm dò tài nguyên mà liên quan đến mục đích quân sự.
Không loại trừ khả năng, các tàu này đang vẽ bản đồ đáy biển phục vụ cho hoạt động của tàu ngầm, hoặc thăm dò các lối đi dưới nước của tàu ngầm đối phương.
Với tình trạng đối đầu ngày càng leo thang ở Biển Đông, sự gia tăng số lượng tàu ngầm hoạt động ở Biển Đông trong lúc này và thời gian trước mắt không có gì là đáng ngạc nhiên.
3. Các thông tin, phân tích khác
Hoàn Cầu thời báo bắt đầu bàn về kịch bản Mỹ tấn công các đảo ở Biển Đông (LINK)
Giữa lúc Mỹ cam kết hỗ trợ ở Biển Đông, Việt Nam ngại chọc giận Bắc Kinh (LINK)
Petter Dutton: Việt Nam dọa kiện Trung Quốc ở Biển Đông (LINK)
Biển Đông: Đã đến lúc (Malaysia) thể hiện quyết tâm mạnh mẽ (LINK)
III. TRUNG QUỐC
Một bài bình luận trên tờ Nikkei Asia Review nhận xét rằng chiến lược ngoại giao "chiến lang" của Chủ tịch Trung Quốc đang gặp nhiều sự phản đối ở Bắc Kinh. (LINK)
Tuy nhiên, cũng như khá nhiều người khác (kể cả tôi trước đây), tác giả Richard McGregor đã nhầm khi dẫn một bài viết của viên đại tá diều hâu Đới Húc về quan hệ Mỹ - Trung.
Thực tế, Đới Húc đã khẳng định trên trang weibo rằng ông ta không phải là tác giả bài viết này.
Tuy nhiên, cũng đã đến lúc dành nhiều thời gian cho những diễn biến trên chính trường Trung Quốc, bởi đã đến gần thời điểm Bắc Kinh tiến hành hội nghị Bắc Đới Hà (không chắc diễn ra) và kỷ niệm ngày thành lập quân đội (1.8).
Thân mến,
Duân
Cám ơn anh rất nhiều. Ngày nào em cũng hóng tin của anh
Anh nói là Bộ Tứ Kim Cương, nhưng traong bài viết chỉ mới nhắc đến Mỹ-Úc-Ấn Độ?