Khuya 10.7, hãng tin Bloomberg dẫn hai nguồn thạo tin cho biết chính quyền Mỹ dự tính đưa ra một thông báo vào tuần tới liên quan đến căng thẳng leo thang ở Biển Đông.
Cụ thể, Bloomberg viết rằng:
"Mỹ đã nêu ra lo ngại về quyết định của Trung Quốc tiến hành tập trận tại vùng biển tranh chấp ở Hoàng Sa. Bộ Quốc phòng Mỹ tuần trước gọi những hành động đó là "phi pháp", và Mỹ có kế hoạch vạch ra quan điểm chính thức vào tuần tới, theo một trong hai người ẩn danh".
Không có nhiều chi tiết về thông báo được tiết lộ, nên chúng ta chưa thể đánh giá được tầm quan trọng của nó và liệu nó có thể đánh dấu một bước ngoặt nào đó trong quan điểm của Mỹ về Biển Đông hay không.
Cứ như cách viết nói trên của Bloomberg thì không loại trừ khả năng thông báo này liên quan đến cuộc tập trận ở Hoàng Sa, nghĩa là có thể liên quan đến quan điểm của Mỹ về vấn đề Hoàng Sa.
Tuy nhiên, đó chỉ là một trong nhiều suy đoán. Tôi dự đoán quan điểm chính thức của Mỹ sẽ liên quan đến vấn đề Biển Đông rộng hơn, và có thể liên quan đến Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước ven biển.
Động thái của Mỹ được lên kế hoạch giữa lúc căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông, khi hai nước gần như cùng lúc tiến hành các cuộc tập trận quy mô ở khu vực.
Nó cũng diễn ra trong bối cảnh Mỹ ngày càng thể hiện sự quan tâm sát sao hơn đến tình hình Biển Đông, và gần như luôn đưa ra một tuyên bố lên án trước những động thái phi pháp của Trung Quốc ở khu vực, hay triển khai tàu chiến phản ứng với những hành động của Trung Quốc, với hai ví dụ cụ thể là vụ Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Biển Đông vào tháng 4 và vụ tàu Hải Dương Địa Chất 4 lượn lờ trong vùng biển Việt Nam cuối tháng 6, đầu tháng 7.
Đặc biệt, nó diễn ra trong bối cảnh Mỹ gia nhập cuộc chiến pháp lý về Biển Đông, với việc gửi công thư lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ những yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông vào đầu tháng 6, cũng như có những động thái có hàm ý thể hiện quan điểm pháp lý.
Mới nhất, trong cuộc họp báo ngày 8.7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố:
“Từ các dãy núi của dãy Hymalaya đến vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, đến quần đảo Senkaku, và xa hơn nữa, Bắc Kinh có một mô hình kích động tranh chấp lãnh thổ. Thế giới không nên cho phép việc bắt nạt này diễn ra và cũng không nên cho phép nó tiếp diễn.”
Các bạn có thể đọc thêm đoạn trích phần quan sát của tôi liên quan đến tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ về cuộc tập trận của Trung Quốc ở Hoàng Sa trong Newsletter ngày 3.7 ở dưới đây.
Tuyên bố nêu rõ: "Bộ Quốc phòng quan ngại về quyết định của Trung Quốc tiến hành tập trận quân sự xung quanh quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông từ ngày 1-5.7".
"Khu vực tập trận dự kiến bao gồm các vùng biển và lãnh thổ tranh chấp. Tiến hành tập trận quân sự trên lãnh thổ tranh chấp tại Biển Đông là phản tác dụng đối với các nỗ lực xoa dịu căng thẳng và duy trì bình ổn. Hành động của Trung Quốc sẽ làm bất ổn thêm tình hình tại Biển Đông".
"Những cuộc tập trận như này cũng vi phạm cam kết của Trung Quốc theo Tuyên bố về cách hành xử của các bên trên Biển Đông năm 2002 (DOC), trong đó cam kết tránh các hoạt động làm phức tạp thêm hoặc leo thang tranh chấp cũng như ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định".
Đầu tiên, tôi chưa thể tìm ra một ví dụ nào khác về việc Mỹ lên tiếng bày tỏ quan ngại về một cuộc tập trận ở khu vực bao trùm quần đảo Hoàng Sa trước đây. Cụ thể, tôi chưa tìm thấy tuyên bố của phía Mỹ về cuộc tập trận năm 2016 ở Hoàng Sa.
Trong cuộc tập trận vào tháng 7.2019 ở hai khu vực: một bao phủ một phần quần đảo Hoàng Sa và một nằm ở giữa bãi Macclesfield và quần đảo Trường Sa, phía Mỹ cho là Trung Quốc đã tiến hành thử tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D.
Tuy nhiên, những phát biểu bày tỏ lo ngại chỉ tập trung vào việc thử tên lửa và được thể hiện bằng các phát biểu ẩn danh qua tường thuật của truyền thông. Mãi về sau mới có một số quan chức công khai lên tiếng về vấn đề này và không nhắc gì đến Hoàng Sa.
Như vậy, việc lên tiếng về cuộc tập trận ở Hoàng Sa năm nay có thể được xem là sự thay đổi thái độ của Mỹ, vừa trong vấn đề Biển Đông vừa trong bối cảnh đối đầu chiến lược.
Thứ hai, một điểm đáng chú ý là Mỹ tuyên bố Hoàng Sa là khu vực lãnh thổ tranh chấp. Lưu ý tôi là chỉ đang nói đến tranh chấp lãnh thổ, chứ không nói đến tranh chấp biển, mặc dù Mỹ cũng nhắc đến vùng biển tranh chấp.
Đây là quan điểm bấy lâu nay của phía Mỹ, vốn xem Hoàng Sa là khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan. (Limits in the Seas No. 143 China: Maritime Claims in the South China Sea).
Tuy nhiên, dường như đây là lần đầu tiên quan điểm này được thể hiện trong một tuyên bố chính thức của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Các tuyên bố của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ về vụ Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa vào đầu tháng 4 cũng không nhắc trực tiếp đến tranh chấp lãnh thổ.
Ngoài ra, cũng có thể tham khảo phân tích của tôi về việc Mỹ gia nhập cuộc chiến công hàm trong Newsletter ngày 3.6: Biển Đông, Biển Đông và Biển Đông.
Chúng ta hay chờ xem quan điểm chính thức của Mỹ là gì! Liệu nó có phải dưới hình thức một tuyên bố, hay một công thư/công hàm mới gửi lên Liên Hiệp Quốc?
Nhân tiện, mời các bạn xem qua Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhân dịp 25 năm thiệt lập quan hệ.
Thân mến,
Duân
Thanks for your hard working. Have a nice weekend Duan.