Tối 20.12, Bộ Quốc phòng Đài Loan thông báo tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc cùng 4 tàu hộ tốn đã băng qua eo biển Đài Loan tiến xuống Biển Đông trong cùng ngày. Thông báo cho biết Đài Loan đã cử 6 tàu hải quân và 8 máy bay theo dõi quá trình di chuyển của biên đội tàu Trung Quốc.
Trong ngày 20.12, truyền thông Đài Loan đã tiết lộ “tàu sân bay Liêu Ninh” xuất hiện ở phía bắc eo biển Đài Loan và chuẩn bị băng qua eo biển Đài Loan. Theo tờ China Times, sau khi được báo cáo, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Nghiêm Đức Phát và Tổng tham mưu trưởng Hoàng Thự Quang đã thân chinh đến Sở chỉ huy Hành Sơn ngay trong đêm 19.12 để trực tiếp theo dõi.
Vì thế, sau khi có thông tin về tàu Sơn Đông, truyền thông Đài Loan lại đồn đoán hai nhóm tàu sân bay Trung Quốc có thể chia làm hai hướng, một là Sơn Đông đi qua eo biển Đài Loan và một là Liêu Ninh đi qua eo biển Miyako vòng trở lại Biển Đông thông qua eo Ba Sỹ.
Tuy nhiên, nhiều khả năng truyền thông Đài Loan đã nhầm lẫn tên tàu sân bay là Liêu Ninh thay vì Sơn Đông. Cho đến rạng sáng 20.12, tàu Liêu Ninh vẫn ở tại căn cứ Thanh Đảo, theo hình ảnh vệ tinh dưới đây.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan Trương Triết Bình sáng nay cũng trả lời trước Lập pháp viện rằng không có dấu hiệu tàu Liêu Ninh xuống phía nam.
Hình ảnh vệ tinh trước đó cũng cho biết tàu Sơn Đông đã rời cảng Đại Liên chiều hoặc tối 17.12. Sáng 18.12, biên đội tàu Sơn Đông được phát hiện ở vị trí phía bắc Hoàng Hải trên đường hướng xuống phía nam.
Ảnh vệ tinh của Planet Labs ghi nhận tàu Sơn Đông tại hai vị trí ở bắc Hoàng Hải trong ngày 18.12
Đây lần thứ hai tàu Sơn Đông trở lại Biển Đông, sau lần đầu tiên đến căn cứ Tam Á, đảo Hải Nam để tổ chức lễ biên chế, với sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Biên đội tàu Sơn Đông trên đường xuống Biển Đông
Sau lễ biên chế ngày 17.12.2019, tàu Sơn Đông băng ngược trở lại eo biển Đài Loan trong ngày 26.12.2019 trở về Đại Liên tiến hành sửa chữa và bảo dưỡng.
Trong 1 năm qua, tàu này đã tiến hành 3 chuyến huấn luyện, bao gồm các cuộc huấn luyện cất và hạ cánh của chiến đấu cơ J-15:
Từ 25.5 đến 17.6: Hoàng Hải và Bột Hải.
Từ 1.9 đến 22.9: Bột Hải.
Từ 21.11 đến 13.12: Hoàng Hải và Bột Hải.
Đến Biển Đông làm gì?
Sáng nay, phát ngôn viên Hải quân Trung Quốc Lưu Văn Thắng đã đưa ra thông báo xác nhận, cho biết biên đội tàu Sơn Đông sẽ tiến hành huấn luyện ở Biển Đông, theo kế hoạch thường niên.
Trong khi đó, truyền thông Đài Loan nhận định tàu Sơn Đông có thể di chuyển đến khu vực ấm áp hơn ở phía nam để tiến hành huấn luyện do thời tiết lạnh giá ở phía bắc.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng tàu Sơn Đông sẽ đến trú đóng tại căn cứ Tam Á trong đợt triển khai này. Ở Tam Á hiện đã có tàu đổ bộ tấn công Type 075 đầu tiên của Trung Quốc. Một cơ sở sửa chữa tàu sân bay cũng đang được xây dựng ở Tam Á trong lúc này, theo giới quan sát.
Thời điểm nhạy cảm
Tàu Sơn Đông đến Biển Đông giữa lúc Đài Loan tiến hành đợt tập trận ở quần đảo Pratas trong ngày 20.12 và 27.12.
Những đồn đoán về việc Trung Quốc có thể cân nhắc đánh chiếm quần đảo chiến lược Pratas do Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông lại tiếp tục trở thành đề tài bàn luận sôi nổi sau bài viết mới nhất của chuyên gia Nhật Bản Yoshiyuki Ogasawara trên tờ The Diplomat cách đây hơn 1 tuần.
Đối với việc giành quyền kiểm soát quần đảo Pratas, Trung Quốc có nhiều lựa chọn. Họ có thể tiến hành một cuộc đổ bộ bất ngờ, buộc các đơn vị đồn trú của Đài Loan phải đầu hàng. Họ có thể phong tỏa quần đảo bằng đường không và đường biển khiến binh lính Đài Loan kiệt sức. Ngoài ra, họ có thể chỉ cần tuyên bố sơ bộ về một cuộc tấn công hoặc phong tỏa, nhằm buộc các đơn vị đồn trú của Đài Loan phải rút lui. Đối với một cách tiếp cận lâu dài hơn, họ có thể sử dụng các hành động can thiệp ngầm chống lại tàu và máy bay Đài Loan để làm tê liệt đường tiếp tế. Hoặc có thể bình thường hóa các cuộc tập trận quân sự quanh quần đảo để tạo áp lực tâm lý cho người dân Đài Loan.
Đối với ông Tập, người sẽ chủ trì lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2021 và Đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm 2022, và dự kiến kéo dài nhiệm kỳ của mình, việc thể hiện một số “tiến bộ” đối với sự thống nhất của Đài Loan có thể là điều đáng mong muốn hoặc thậm chí cần thiết.
Tàu Sơn Đông băng qua eo biển Đài Loan chỉ 1 ngày sau khi khu trục hạm Mỹ USS Mustin thực hiện hành trình tương tự để xuống Biển Đông vào sáng 19.12. Ngoài USS Mustin, tại Biển Đông ít nhất còn có khu trục hạm USS Ralph Johnson của Mỹ vừa băng qua eo biển Malacca hướng lên phía bắc tối 18.12.
Tuy nhiên, ở khu vực hiện không có nhóm tàu lớn nào của Mỹ. Tàu sân bay USS Ronald Reagan hiện được bảo dưỡng tại căn cứ Yokosuka sau chuyến tuấn tra kéo dài nhiều tháng. Còn tàu đổ bộ tấn công USS America hiện đóng tại căn cứ Sasebo. Nhóm tàu đổ bộ tấn công khác là USS Makin Island đã di chuyển ra Ấn Độ Dương trước đó.
Động thái mới của Trung Quốc cũng xảy ra giữa một giai đoạn nhạy cảm khi quá trình chuyển giao chính quyền ở Mỹ đang diễn ra. Không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ tiến hành hành động khiêu khích nào đó trong thời điểm chuyển giao hoặc ngay sau đó để kiểm tra phản ứng của chính quyền mới.
Biên đội tàu Sơn Đông xuất hiện ở Biển Đông giữa lúc cơn bão Krovanh hoành hành ở Biển Đông, làm hạn chế cơ hội theo dõi vị trí của nhóm tàu này qua ảnh vệ tinh. Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng theo dõi và cập nhật những chuyển động của nhóm tàu này trong thời gian tới.
Thân mến,
Duân
Trung Quốc chiếm đảo của Đài Loan để làm gì? Đường lưỡi bò ở BĐ là do chính Đài Loan khởi xướng, và đến nay vẫn còn rành rành trên bản đồ Đài Loan.
Trên Biển Đông hai thằng này chẳng những không kình cự nhau, mà còn thông đồng để lấn át các nước khác. Đảo Ba Bình lớn nhất Trường Sa do ĐL chiếm giữ, TQ cũng để mặc, về sau lấy được ĐL thì nghiễm nhiên sẽ trở thành của nó.
Trận Gạc Ma 1988, Đài Loan trên đảo Ba Bình còn tiếp tế cho lính Trung Quốc đi đánh VN. Nên đừng có ảo tưởng gì về bọn Đài Loan này.
Cảm ơn anh! Kính chúc anh một mùa Noel an lành!